Bảo hộ lao động Hà Nội

Tin tức an toàn lao động, bảo hộ lao động

Báo động tình trạng tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng

Từ đầu năm đến nay, TP Hồ Chí Minh có đến 37 vụ tai nạn lao động làm 41 người chết, trong đó riêng lĩnh vực xây dựng chiếm gần một phần hai. Một thực trạng đang diễn ra trên nhiều công trường là công nhân, người lao động phần lớn thiếu kiến thức về an toàn lao động để có thể tự bảo vệ mình…
Tai nạn lao động (TNLĐ) trong lĩnh vực xây dựng, xây lắp các công trình dân dụng và công nghiệp thường gây ra nhiều tổn thất về con người, tài sản, kéo theo nhiều hậu quả khó có thể khắc phục trong một sớm, một chiều. Theo thống kê, chỉ riêng năm 2014 và sáu tháng đầu năm 2015, trên cả nước đã xảy ra hơn bảy nghìn vụ tai nạn lao động (TNLĐ), trong đó số người bị thương và mất khả năng lao động là 6.941 người, số người chết hơn 700 người. Vậy đâu là nguyên nhân của thực trạng này? Những năm gần đây, TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng đang tăng nhanh. Trong đó, có khoảng 80% số công nhân ngành xây dựng là lao động tự do, lao động phổ thông, phần nhiều chưa được đào tạo bài bản nên thiếu kiến thức về an toàn vệ sinh lao động. Lực lượng lao động này chủ yếu ở các vùng quê lên thành phố kiếm sống, làm việc theo kinh nghiệm, ý thức tự bảo vệ chưa tốt là nguyên nhân chính dẫn đến những vụ tai nạn đau lòng. Quan sát một công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ (trên địa bàn phường Tây Thạnh, quận Tân Phú), chúng tôi thấy phần lớn công nhân chủ yếu vẫn đội mũ mềm, mũ cối, ít sử dụng mũ bảo hộ lao động, nhiều công nhân làm việc trên tầng cao hàng chục mét mà không có dây an toàn bảo vệ. Anh Nguyễn Văn Tuấn (39 tuổi, quê Tiền Giang) là thợ hồ đang làm việc tại công trình cho biết: “Chúng tôi khi đi làm thuê thì chỉ quan tâm làm sao công việc ổn định, chứ an toàn lao động thì chẳng ai để ý. Chủ đầu tư hầu như không quan tâm trang bị đồ bảo hộ lao động cho công nhân cũng như nhắc nhở tụi tôi. Với các công trình xây dựng nhỏ, chúng tôi làm quen rồi thì cũng không có nguy hiểm gì, đội mũ bảo hộ lao động, đeo dây đai, vướng víu, mồ hôi ra rất khó chịu”. Không chỉ tại công trình này, hầu hết các công trình xây dựng ở các quận ven, chủ đầu tư hay chỉ huy công trường đều không chấp hành các quy định về an toàn lao động. Nhiều chỗ nguy hiểm không có báo hiệu hay băng cảnh báo các loại. Sự chủ quan, thiếu ý thức mà bỏ qua các quy định về an toàn lao động là nguyên nhân dẫn tới những vụ TNLĐ chết người thương tâm. Nhiều vụ tai nạn, các sự cố công trình, sự cố từ thiết bị thi công đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, như vụ tai nạn sập sàn bê-tông công trình 15 tầng tại phường 8, quận 11 làm chín người bị thương; hay như sự cố sập giàn giáo tại công trình xây dựng tòa nhà 17 tầng ở đường Nguyễn Văn Linh khiến ba người chết và năm công nhân bị thương… đang là bài học nhãn tiền. Trước tình trạng TNLĐ liên tục diễn ra, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo và thị sát tại những nơi xảy ra tai nạn. Tại buổi họp báo về sự cố sập giàn giáo tại công trình xây dựng tòa nhà 17 tầng ở quận 7, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân đề nghị các sở, ngành kiểm tra, giám định các nguyên nhân sai phạm của chủ đầu tư, tư vấn giám sát, đặc biệt là năng lực hành nghề của các cá nhân, đơn vị thi công để xem xét khởi tố vụ án, bởi đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng. Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, hiện công tác xây dựng, các biện pháp quản lý còn chưa chặt chẽ; trách nhiệm của nhà thầu như thế nào vẫn chưa cụ thể. Vì vậy, Sở Xây dựng cần tăng cường công tác quản lý hơn nữa khi thành phố có hàng nghìn công trình xây dựng. Các nhà thầu chủ yếu thuê mướn lao động các địa phương khác, phần lớn là lao động thời vụ, không có trình độ chuyên môn, ý thức lao động kém. “Các sở, ngành liên quan cần nghiên cứu, soạn thảo quy chế quản lý ở các công trình xây dựng để xác định trách nhiệm và có biện pháp chế tài xử lý. Đơn vị nào để xảy ra vi phạm phải có biện pháp chế tài nghiêm khắc” - đồng chí Lê Hoàng Quân yêu cầu. Để hạn chế những TNLĐ đáng tiếc xảy ra, không chỉ riêng người lao động mà các chủ đầu tư cần ý thức, trách nhiệm hơn nữa trong việc sử dụng nguồn lao động, cần đào tạo cơ bản, thực hiện giám sát điều kiện lao động tại các công trình, nhất là phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến an toàn vệ sinh lao động cho người lao động, đối tượng sử dụng lao động. Cơ quan chức năng cũng cần phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra, xử lý nghiêm những công trình xây dựng vi phạm an toàn lao động.