Bảo hộ lao động Hà Nội

Tin tức an toàn lao động, bảo hộ lao động

Nghề xây dựng tự do và vấn đề an toàn lao động không riêng gì Hạ Long

Vài năm trở lại đây, TP Hạ Long phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng nhà ở, nên nghề xây dựng tự do cũng phát triển theo và là nghề khá dễ kiếm sống. Nhưng có điều đáng lo ngại là vấn đề an toàn lao động của những người hành nghề này không được quản lý chặt chẽ, thậm chí là thả nổi...

Hiểm hoạ được báo trước

Hầu hết ai thuê thợ xây nhà đều làm hợp đồng cam kết rất chặt chẽ. Bên chủ tạo mặt bằng thi công, lo vật liệu đầy đủ, tiền công sòng phẳng. Phía thợ, ngoài chất lượng đảm bảo, đúng tiến độ, mỹ thuật đạt yêu cầu, an toàn lao động phải hoàn toàn chịu trách nhiệm... Hợp đồng là thế, nhưng hiện khá phổ biến thợ làm không đúng với cam kết. Thường một đội xây dựng khoảng trên dưới chục người, nếu làm công trình 4 tầng, diện tích khoảng 300m2, thi công 4-5 tháng, họ có thể đảm bảo về an toàn, chất lượng. Nhưng hầu hết các đội xây dựng “chạy sô” cùng lúc 2-3 công trình, là nguyên nhân chính dẫn đến mất an toàn nhiều công trình xây dựng hiện nay.

4

Với những dàn giáo cheo leo như trên cần phải trang bị dây an toàn, mũ bảo hộ cho người lao động.

Anh Sáu, phụ trách một đội xây dựng tự do, quê Hưng Yên, cho biết: Nếu chúng tôi chỉ nhận 1 công trình làm trong vòng từ 4-7 tháng thì chỉ đủ trang trải bản thân, nên buộc phải nhận vài công trình cùng lúc mới có tiền nuôi vợ, con... Những lúc như vậy thường anh em thợ bảo nhau chủ yếu nhất đảm bảo phần cốt để không bị đền; còn về tiến độ... không mấy khi chủ nhà nỡ phạt.

Khu 3, phường Hồng Hà (TP Hạ Long) là khu tái định cư khá hiện đại đang do hàng trăm đôi bàn tay tài nghệ của những người thợ đến từ các vùng quê: Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên... thi công. Giữa cái nắng gắt oi nồng họ miệt mài làm việc như không biết mệt và cả nguy hiểm. Vài người thợ đang dồn sức trát những bức tường ở độ cao 5, 7 mét, mỗi một giàn giáo được ghép bằng 5-6 cây tre cũ bám đầy vôi vữa, vắt qua 4-5 cây gỗ cắm vào tường làm giá đỡ người, vật liệu. ở chỗ khác 4-5 thợ, người cầm búa, người vác những cây sắt dài đi trên nóc nhà tầng 4… tất cả đều không trang bị quần áo bảo hộ lao động. Một cai thầu tên Hải, quê Thái Bình, trả lời khi được hỏi ai là người chịu trách nhiệm về an toàn lao động ở đây: Đương nhiên là thợ phải chịu. Không thế làm sao tôi quản được họ… - người tên Hải nói.
Với môi trường xây dựng, cần trang bị thêm cho người lao động những đôi giày da bảo hộ đế chống đâm xuyên phòng trường hợp vấp phải đinh xây dựng.

Ở công trình xây dựng khu tái định cư này, hầu hết các phần việc lao động thủ công có nguy cơ mất ATLĐ rất lớn. Hàng chục viên gạch buộc vào một sợi dây thừng nhỏ đang được hai người thợ kéo lên tầng cao, ngay dưới là lán trại luôn có người ra, vào, nếu sợi dây đứt, không biết điều gì sẽ xảy ra… Ngay lúc đó, tôi nghe một tiếng rầm khá to phát ra từ công trình kế bên, những tấm gỗ văng từ tầng 3 ngôi nhà đang xây xuống đất. Hoá ra những người thợ đang dỡ cốp pha, cứ thế quẳng từ trên cao xuống, không cần chú ý bên dưới có người hay không. Một thợ xây tên Thuấn nói: “Công trình xây dựng luôn cấm người không có nhiệm vụ qua lại. Còn anh em thợ thì phải tự biết mà tránh…”. Những tấm cốp pha cắm đầy đinh, nằm chỏng chơ trên nền nhà, sân, không thấy có ai dọn đi, trong khi những người thợ liên tục đi, lại làm việc, phải lựa bước để khỏi dẫm vào đinh... Tôi hỏi tại sao không dọn cho an toàn? Một chị phụ vữa trả lời: Cuối buổi nhổ đinh bán đồng nát dọn luôn thể...  Anh thợ tên Thuấn cho biết thêm: Làm việc ở độ cao, lại không có bảo hiểm ATLĐ, người mới vào nghề cũng hơi sợ, còn chúng tôi làm lâu thì quen rồi. Kể ra có giàn giáo sắt thì cũng yên tâm hơn, nhưng di chuyển nó vừa nặng, lại luôn phải tháo ra, lắp vào chạy hết công trình này, công trình khác rất mất thời gian; cai thầu cũng không muốn đầu tư vì khá nhiều tiền.

Cuối buổi chiều, tôi theo một nhóm thợ người Nam Định về nơi họ tạm trú tại tổ 2, khu 2, phường Hồng Hà (TP Hạ Long). Đó là một căn nhà mục nát, rộng chừng 30m2 được ngăn đôi. Gian trong 4 người là gia đình anh Tiến - trưởng nhóm, gian ngoài là 6 anh em thợ. Vật dụng sinh hoạt của họ chỉ có vài chiếc giát giường được kê bằng gạch, 3-4 chiếc xô chậu, nồi nấu ăn, ít bát đũa... Chị Hoa vợ anh Tiến, nói: Chúng tôi nay đây, mai đó, nên chỉ cần thuê nhà kiểu này. Cả nhóm mất khoảng 500 đến 600 ngàn đồng/tháng tiền nhà. Tuy sinh hoạt cũng bất tiện, nhưng quen rồi…

Những tai nạn đau lòng

Hai năm trở lại đây, ở các phường Hồng Hải, Hồng Hà (TP Hạ Long) đã xảy ra 4 vụ tai nạn nghiêm trọng trong xây dựng, làm chết 11 người, trong đó 2 người chết do ngã giàn giáo, 2 người điện giật, 7 người do sập kè, lở đất. Nguyên nhân chủ yếu là ý thức về ATLĐ của người thợ quá kém. Anh Tiến kể lại: Tháng 4 vừa qua, hôm đó đội của anh Đức cùng quê với tôi đang thi công một nhà dân ở tổ 3, khu 4, phường Hồng Hà. Bố, con anh Đức chuyển cây sắt phi 18, dài trên chục mét lên mái để cắt đã sơ ý chạm vào đường điện trần, làm hai bố con anh chết tại chỗ. Khi thanh, kiểm tra hiện trường, tai nạn xảy ra do lỗi ở thợ, gia đình chủ nhà không vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Anh Khải, cùng đội anh Tiến kể về cái chết của một người bạn cùng nghề tên Minh cách đây đã hơn 1 năm, vẫn không khỏi ngậm ngùi: Hôm đó bạn tôi đang trát tường nhà ông Tr., tại khu 3, phường Hồng Hà thì giàn giáo bị lật… Nếu như chủ thầu không tiếc tiền trang bị giàn giáo an toàn, và chúng tôi có ý thức hơn, thì những tai nạn đau lòng này đã không xảy ra… 

Đau lòng nhất là vụ sạt lở đất ngày 8-9 mới đây, làm chết 7 thợ xây ở tổ 9, khu 3, phường Hồng Hải (TP Hạ Long). Chị Liên - chủ thuê những người thợ này xây nhà, vẫn chưa hết bàng hoàng, kể lại: Tối hôm đó trời mưa khá to và lâu. Tôi không yên tâm khi lán nghỉ của anh em thợ dựng sát kè, nên đã nhiều lần giục họ vào nhà. Cả anh Xương, cảnh sát khu vực, từ hôm trước cũng nhắc nhở anh em thợ không nên dựng lán trại ở đây. Anh em thợ đồng ý, nhưng rồi cứ lần lữa mãi...

Trao đổi với ông Nguyễn Thành Tâm, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH về vấn đề ATLĐ trong xây dựng. ông Tâm cho biết: Hiện rất khó xử lý với những trường hợp mất ATLĐ xảy ra với người làm nghề tự do. Bởi không ai quản lý, không ai chịu trách nhiệm. Thường thì khi xảy ra tai nạn, chủ thuê và thợ làm thoả thuận, đền bù trên cơ sở tự nguyện, bởi trước đó hai bên đã ký hợp đồng xây dựng, có quy định người thợ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về ATLĐ. ở các doanh nghiệp xây dựng thì rất hiếm xảy ra tai nạn nghiêm trọng, vì chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm với công nhân.