Bảo hộ lao động Hà Nội

Tin tức an toàn lao động, bảo hộ lao động

Hieu va phong tranh nhung tai nan nguy hiem trong nha bep

Bếp là trái tim của ngôi nhà nhưng cũng là nơi chứa rất nhiều thiết bị có thể gây nguy hiểm, từ dao kéo đến bình gas, máy xay, lò vi sóng...

Dưới đây là một vài lời khuyên từ những chuyên gia an toàn của Consumer Reports giúp bạn tránh những tai nạn nhà bếp.

Cháy do bếp nấu

Cháy liên quan đến các thiết bị nhà bếp chiếm 2/5 các vụ cháy tại các gia đình Mỹ. Trong đó chủ yếu do người nấu bỏ quên, hoặc do mỡ, dầu, hóa chất bén lửa.

Bếp nấu là nguyên nhân lớn nhất gây ra các tai nạn nhà bếp - Ảnh: graytvinc.

Để tránh hỏa hoạn ghé thăm, các chuyên gia khuyên:

- Luôn có mặt trong bếp khi bạn chiên, rán, nướng.

- Nếu bạn ninh hầm, hoặc nướng bánh nên có mặt ở nhà và thường xuyên kiểm tra món ăn, nên đặt đồng hồ báo thức để nhắc nhở.

- Hãy để tất cả các món đồ bắt lửa, ví dụ khăn, giấy gói thức ăn, cái bắc nồi thật xa khu vực bếp nấu.

- Luôn giữ một cái nắp gần đó để dập tắt những đám cháy nhỏ.

- Nếu đám cháy bắt nguồn từ bếp, ngay lập tức tắt bếp.

- Nếu không thể kiểm soát ngọn lửa, hãy ra khỏi nhà và gọi cứu hỏa.

- Luôn có một bình chữa cháy nhỏ trong bếp.

Chấn thương do dao cắt

Dao cùn nguy hiểm hơn dao sắc bởi nó đòi hỏi người sử dụng phải tốn nhiều sức lực khi dùng. Vì mòn nên dao dễ trượt khỏi thực phẩm và cắt vào ngón tay bạn. Để tránh các tai nạn và chấn thương do dao, bạn cần lưu ý:

- Luôn giữ dao sắc.

- Dùng thớt không có bề mặt nào trơn và nên lót một chiếc khăn ẩm dưới thớt để ngăn nó di chuyển.

- Khi cắt, đưa dao ra phía ngoài, dùng tay nắm chắc thực phẩm.

- Nên cất dao trong các ống đựng dao kéo, đừng để trong ngăn kéo bởi để ở đây, bạn dễ bị chấn thương khi lấy dao.

Đồ dùng nhà bếp bị vỡ

Những tai ấm, tai nồi, cán chảo nóng có thể gây bỏng. Đôi khi đồ bằng thủy tinh vỡ cũng gây thương tích. Dưới đây là những điều bạn không nên làm để tránh thương tật từ đồ dùng nhà bếp:

- Không bỏ đĩa, bát từ ngăn đá vào thẳng lò vi sóng hoặc ngược lại (để tránh tình trạng đồ dùng bị vỡ do thay đổi nhiệt đột ngột).

- Không đặt đĩa, tô đựng thức ăn trực tiếp lên bếp hoặc lò nướng.

- Không đặt một cái đĩa, tô nóng lên bề mặt lạnh và ẩm ướt.

- Hãy vứt bỏ đĩa bát đã bị sứt mẻ hoặc nứt.

Bỏng khi sử dụng lò vi sóng

Bạn cần chú ý:

- Cẩn thận khi tháo lớp bọc thực phẩm, nắp đậy sau khi lấy ra khỏi lò vi sóng. Hơi nước có thể thoát ra và gây bỏng khó chịu.

- Thực phẩm có thể không được làm nóng đồng đều trong lò vi sóng vì thế hãy cần thận khi sờ hay nếm thử.

- Sau khi lò dừng quay, hãy để thức ăn nguội bớt 1-2 phút trước khi lấy ra khỏi lò.

- Không nấu nước trong lò vi sóng. Nước quá nóng có thể trào ra và gây ra những tai nạn đáng tiếc.

Tai nạn do máy xay

Mỗi năm có hơn 9.600 người bị thương liên quan đến máy xay. Để ngăn ngừa tai nạn và thương tích, bạn cần lưu ý:

- Không bao giờ cho tay vào bên trong, đặc biệt khi máy xay được cắm điện. Phần lớn máy xay không có khoá an toàn, vì vậy bạn có thể chấn thương nếu vô tình trượt tay qua.

- Bạn có thể làm sạch lưỡi dao mà không cần chạm vào chúng: đổ vào máy xay một chén thuốc tẩy và nước nóng, rồi cho nó quay nhanh trong một phút. Rút phích cắm điện, rửa sạch máy xay.

Hoàng Anh (Theo Consumer Reports)