Bảo vệ hành lang an toàn lưới điện vùng sông nước.
Sự cố lưới điện 220 kV Long An – Cai Lậy (ngày 10/5/2015) làm mất ổn định lưới điện khu vực tỉnh Long An và Tiền Giang tiếp tục là “tiếng chuông” cảnh báo về tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp vùng sông nước, đòi hỏi các đơn vị phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giám sát chặt hơn nữa khu vực này.
Vào lúc 0h19 ngày 10/5/2015, sà lan mang số hiệu BT 5607 khi đang di chuyển đã va chạm với một sà lan số hiệu LA 6212 chở cần cẩu cao khoảng 20m đang neo đậu trên sông Vàm Cỏ Tây (khu vực phường 6, TP Tân An - tỉnh Long An). Hậu quả, sà lan bị đứt dây neo, trôi tự do và cần cẩu trên sà lan đã vướng vào đường dây 220 kV Long An - Cai Lậy mạch 1. Sự cố làm mất ổn định lưới điện khu vực tỉnh Long An và Tiền Giang, đặc biệt trong thời gian cao điểm nắng nóng 2015.
Những chiếc cần cẩu cao có thể gây ảnh hưởng đến đường dây cao áp bắc qua sông nước.
Trước đó, ngày 16/10/2014, sà lan thuộc doanh nghiệp tư nhân Trường Thọ (địa chỉ 33/16 khóm Long Hưng, Mỹ Thới, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang), do ông Nguyễn Ngọc Huy làm chủ, trong quá trình thi công nạo vét kênh Cái Dung nối dài đã vi phạm khoảng cách an toàn, gây phóng điện đường dây 220 kV Thốt Lốt - Châu Đốc.
Các sà lan trong hai trường hợp nêu trên đã vi phạm quy định về an toàn điện tại Khoản 3, Điều 10, Nghị định số 14/NĐ-CP ngày 26/2/2014; và Điểm b, Khoản 4, Điều 15 Nghị định 134/2013/NĐ-CP về “Điều khiển thiết bị, dụng cụ, phương tiện hoặc các hoạt động khác vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp”.
Theo ông Võ Đình Thủy - Giám đốc Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4), để bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp, đảm bảo vận hành ổn định lưới điện 220 - 500 kV tại 19 tỉnh, thành phía Nam, đặc biệt trong những tháng cao điểm mùa khô 2015, PTC4 đã đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau.
Cần phải có những cảnh báo, băng báo hiệu cáp để báo cho người dân được biết mức độ nguy hiểm của đường dây điện cao áp.
Đặc biệt đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, công tác quản lý, vận hành lưới điện cao áp gặp rất nhiều khó khăn do mật độ sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Vì vậy, PTC4 đã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các đợt tuyên truyền về an toàn điện cho các cá nhân, doanh nghiệp, chủ dự án thi công xây dựng, người điều khiển phương tiện đường thủy nội địa (tàu thuyền, sà lan có lắp cần cẩu) hoạt động gần đường dây điện.
Công ty đã lắp đèn báo hiệu ban đêm, lắp các biển cảnh báo an toàn điện tại các vị trí đường dây 220 kV, 500 kV vượt sông theo quy định của Cơ quan quản lý Đường thủy nội địa; lắp tăng cường các biển cảnh báo an toàn điện theo quy định của ngành Điện; lập danh sách và giám sát chặt chẽ các chủ phương tiện và doanh nghiệp sử dụng phương tiện đường thủy nội địa để thuận lợi cho công tác tuyên truyền, hướng dẫn an toàn khi các phương tiện này thi công hoặc hoạt động gần hành lang.
Tuy nhiên, để tiếp tục bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp vùng sông nước trong thời gian tới, theo ông Võ Đình Thủy, rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền với người dân, phối hợp giám sát chặt các phương tiện, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn.
Đơn cử, với Cảnh sát đường thủy trong lúc tuần tra ở khu vực gần vị trí giao chéo giữa đường dây 220 kV, 500 kV và đường thủy nội địa có thể thông báo, tuyên truyền, nhắc nhở các phương tiện tàu thuyền và thiết bị trên sông tuân thủ theo hướng dẫn trên các biển cảnh báo; phải neo đậu đúng nơi quy định; phải hạ cần cẩu khi neo đậu cũng như khi di chuyển trên sông… Đồng thời, cũng rất cần chính quyền địa phương tích cực phối hợp với ngành Điện hướng dẫn, kiểm tra và tuyên truyền đến các cá nhân, doanh nghiệp, chủ đầu tư các dự án công trình, người điều khiển thiết bị trên sông về ý thức bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, biện pháp an toàn điện khi làm việc gần và trong hành lang; kiên quyết xử lý vi phạm hành chính do vi phạm về an toàn hành lang lưới điện cao áp.
Các trang thiết bị đi kèm hỗ trợ ngành điện lực: mũ bảo hộ lao động, quần áo hay dây an toàn bảo hộ.