Tai nạn lao động trong ngành xây dựng luôn cao, vì sao vậy
Vì sao tai nạn lao động trong ngành xây dựng hiện nay vẫn tăng cao. Theo tìm hiểu được biết thì chủ yếu là do ý thức người lao động vẫn còn kém. Có người tâm sự:”Mấy anh em chúng tôi ngại đội mũ bảo hộ vì mỗi lần thèm hút thuốc thấy rất vướng bận. Đi đôi giày bảo hộ lao động cũng thấy không tự nhiên, khó làm lắm. Với lại độ cao cũng chưa thấy có vẻ nguy hiểm gì nên anh em chưa đội mũ”.
Được biết, TP.HCM là một trong những địa phương có mật độ xây dựng cao nhất của cả nước. Kéo theo đó, các vụ tai nạn lao động trong ngành xây dựng cũng chiếm một tỉ lệ không nhỏ. Tính từ đầu năm đến thời điểm này thì đã có ít nhất 33 vụ tai nạn lao động xây dựng trong số 58 vụ tai nạn lao động chết người, chiếm hơn 57%. Vậy nguyên nhân nào khiến cho tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng lại chiếm tỉ lệ cao như vậy?
Theo ông Thơ – một công nhân đang làm việc tại công trình xây dựng tâm sự:” Mấy anh em chúng tôi ngại đội mũ vì mỗi lần thèm hút thuốc thấy rất vướng bận. Đi đôi giày bảo hộ lao động cũng thấy không tự nhiên, khó làm lắm. Với lại độ cao cũng chưa thấy có vẻ nguy hiểm gì nên anh em chưa đội mũ”
Đó chỉ là một trong nhiều lý do mà nhiều lao động khác trong ngành xây dựng biện minh cho việc không sử dụng các trang thiết bị bảo vệ cá nhân trong quá trình lao động như quần áo bảo hộ lao động, mũ bảo hộ lao động,…Theo ghi nhận từ các phóng viên thì tại một số các công trình đang thi công, những thiết bị bảo hộ lao động như: găng tay, dây đai an toàn,…bị vứt cùng đống vật liệu mà không mấy ai sử dụng cả.
Thực tế cho thấy, có tới hơn 80% số công nhân làm việc trong ngành xây dựng là lao động thời vụ, do công việc không ổn định nên họ có tâm lý lo ngại khi tham gia huấn luyện an toàn vệ sinh trong lao động. Đa số họ thường là những người thợ phụ hồ lâu năm, trình độ chưa cao, lại chưa có kinh nghiệm tham gia các công trình lớn. Trong khi, những người quản lý họ lại phần lớn là thiếu trình độ nghiệp vụ tương ứng.
Theo ông Hiển – một cai thầu có kinh nghiệm hơn 15 năm cho hay:” Anh em tôi từ phụ hồ mà lên làm thợ xây. Nhóm này do tôi tuyển dụng. Vì không được đào tạo nên chúng tôi có biết nhà thầu vi phạm cái gì. Người ta sắm gì thì chúng tôi dùng cái đó. Anh em cũng được tập huấn phòng cháy chữa cháy và bảo hộ lao động nhưng rồi đâu lại vào đó”.
Ý thức của người lao động kém đã đành, bây giờ trách nhiệm của quản lý, giám sát tại nhiều đơn vị thi công xây dựng và chủ thầu cũng không cao. Hiện nay, một vài các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt là các doanh nghiệp ngoài nhà nước đang tìm cách cắt giảm chi phí quản lý, chi phí mua sắm trang thiết bị bảo hộ lao động, tránh dẫn đến tình trạng các công nhân thiếu dụng cụ bảo hộ lao động hoặc giám sát lỏng lẻo từ khâu tuyển dụng đến thi công xây dựng, gây tai nạn đáng tiếc.
Một Giám đốc công ty xây dựng xin được giấu tên đưa ra các lý do: “Hầu như các loại thuế đè lên doanh nghiệp rất nặng, chẳng hạn bảo hiểm xã hội, các loại thuế, tính tổng lại chúng tôi không có lợi nhuận. Cho nên cần phải tiết giảm một số bộ phận trong điều hành công việc. Anh em công nhân ráng làm để lấy ngày công thôi chứ không tính đến an toàn lao động”.
Từ đầu năm đến nay, trong số 21 công trình xây dựng mà Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành thanh tra, có đến 14 công trình vi phạm an toàn lao động, bị xử phạt hành chính với tổng số tiền 114 triệu đồng.
Đoàn điều tra đã đình chỉ thi công 1 công trình, đình chỉ việc sử dụng 12 thiết bị xây dựng có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động nhưng không đủ chuẩn và đề nghị khởi tố 4 vụ tai nạn nghiêm trọng.
Ông Huỳnh Tấn Dũng, Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, việc tiết giảm chi phí đầu tư nguồn lực và tận dụng thiết bị cũ kỹ, có yếu tố nguy hiểm tại công trình khiến cho tai nạn xây dựng khó có thể giảm xuống.
Ông Huỳnh Tấn Dũng nói: “Nhiều nhà thầu vi phạm các chế độ về huấn luyện an toàn lao động, về trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, công tác kiểm tra giám sát điều kiện an toàn lao động trên công trường. Vi phạm phổ biến nhất là vi phạm về các quy định an toàn trong việc sử dụng điện, phòng chống tai nạn từ trên cao. Tình trạng trách nhiệm của các nhà thầu hoặc chủ đầu tư đối với trang thiết bị trên công trình mình quản lý không tốt, đe dọa đến sự an toàn của công trình và nhân dân xung quanh”.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng Bảo hộ lao động thì để người lao động có ý thức trong việc tự bảo vệ mình, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền: “Phải làm công tác truyền thông bằng nhiều cách, nhiều phương pháp, để thuyết phục, chuyển nhận thức cho tốt. Làm sao trong quá trình lao động người ta thực thi quy định cho tốt”.
Để hạn chế những tai nạn đáng tiếc, không chỉ riêng người lao động, mà quan trọng hơn là ý thức, trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng, được đào tạo cơ bản, thực hiện giám sát điều kiện lao động tại các công trình. Cùng với đó, các cơ quan chức năng, địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác kiểm tra, xử phạt nghiêm đối với những công trình xây dựng vi phạm về an toàn lao động.
Kim Dung/VOV - TP HCM