Tăng cường kiểm tra công tác an toàn lao động trong xây dựng.
Để khắc phục và chấn chỉnh tình hình vi phạm về an toàn vệ sinh lao động (AT-VSLĐ), đồng thời nhằm phát huy hiệu quả các quy định về đảm bảo AT-VSLĐ, phòng chống cháy nổ (PCCN), Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 22/2010/TT- BXD quy định về AT-VSLĐ trong thi công công trình xây dựng. Ngày 21/3/2014, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có chỉ thị số 02/CT- BXD về việc “Tăng cường thực hiện các quy định đảm bảo AT-VSLĐ và PCCN trong ngành Xây dựng“.
Các công trường xây dựng trên cao cần phải trang bị cho người lao động đầy đủ các trang thiết bị. Cụ thể dây an toàn lao động, mũ bảo hộ tiêu chuẩn và quần áo bảo hộ, giày bảo hộ.
Trong 9 tháng đầu năm 2014, CĐXDVN đã phối hợp với Bộ Xây dựng, TLĐLĐVN kiểm tra AT-VSLĐ, PCCN tại 30 công trình xây dựng thuộc các Tập đoàn, TCty, các sở xây dựng địa phương, 2 công trình thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; phối hợp với Thanh tra Bộ LĐTB&XH tiến hành thanh tra thực hiện pháp luật lao động và AT-VSLĐ tại 10 công trình xây dựng thuộc TCty CP VINACONEX.
Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy tai nạn lao động xảy ra trong thi công xây dựng do nhiều tác nhân gây nên, ngoài tác nhân khách quan, rủi ro mà không lường hết được, có nhiều tác nhân lại do chính con người chủ quan, bất cẩn, thiếu hiểu biết về ATLĐ hoặc thiếu trách nhiệm trong tổ chức thi công. Tai nạn lao động thường tập trung vào đối tượng lao động thời vụ, làm những công việc giản đơn tại các khu vực tiềm ẩn mất an toàn cao, ít được đào tạo kiến thức về ATLĐ, tính kỷ luật lao động thấp hoặc do chủ quan, bất cẩn khi làm việc, thiếu tập trung tư tưởng; môi trường làm việc không đảm bảo an toàn; người sử dụng lao động coi nhẹ công tác an toàn trong tổ chức thi công hàng ngày, lơ là công tác kiểm tra, giám sát hoặc không có biện pháp nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm của người lao động.
Tại các công trình xây dựng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn như: Sử dụng điện thi công, lỗ trống trên các tầng sàn chưa được thực hiện theo quy định. Trên cao, công nhân không đeo dây an toàn vẫn làm việc tại những khu vực có nhiều nguy hiểm (biên sàn không lan can bảo vệ, không có dây cứu sinh, không biển báo nguy hiểm), hệ thống cầu thang bộ lắp đặt sơ sài... Điều này đồng nghĩa với việc tai nạn lao động vẫn đang đe dọa tính mạng người lao động.
Để đảm bảo tốt công tác AT-VSLĐ, khắc phục kịp thời những tiềm ẩn mất an toàn phát sinh trong thi công, chủ đầu tư và nhà thầu thi công trên các công trình xây dựng cần thực hiện nghiêm túc Thông tư số 01/2011/TTLT- BLĐTBXH-BYT của Bộ LĐTB&XH, Bộ Y tế “Hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác AT-VSLĐ trong các cơ sở lao động“; Thông tư số 22/2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng “Quy định về ATLĐ trong thi công công trình xây dựng“; Chỉ thị số 02/CT-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc “Tăng cường thực hiện các quy định đảm bảo AT-VSLĐ và PCCN trong ngành Xây dựng“ với một số nội dung sau: Thành lập hệ thống chỉ đạo thực hiện và giám sát công tác AT-VSLĐ tại công trường. Ban hành các quy định AT-VSLĐ cùng chế tài phù hợp theo quy định của nhà nước để nhà thầu thực hiện. Huấn luyện về AT-VSLĐ tại công trường những nội dung liên quan đến công việc người lao động, về biện pháp kỹ thuật an toàn trong thi công, về trách nhiệm của người sử dụng lao động (từ tổ trưởng trở lên) về thực hiện trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp khi làm việc. Duy trì việc nhắc nhớ, phổ biến biện pháp an toàn chi tiết hàng ngày cho người lao động trước khi làm việc. Những tiềm ẩn mất an toàn nảy sinh trong thi công về điện, về thi công trên cao (hệ thông giáo thi công, lan can an toàn biên các tầng sàn, lỗ trống các tầng sàn thao tác, thực hiện các phương tiện bảo vệ cá nhân...), về an toàn của thiết bị thi công... cần được cảnh báo kịp thời để nhà thầu khắc phục. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các điều kiện làm việc an toàn cho người lao động thi công trên công trường. Tăng cường công tác tự kiểm tra toàn diện về công tác an toàn vệ sinh lao động tại công trường; kịp thời kiến nghị, theo dõi, phúc tra việc khắc phục những sai phạm trong quá trình thi công công trình. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm AT-VSLĐ tại công trường. Với các hệ thống xây dựng điện lực, cần phải có những báo hiệu hay băng cảnh báo cho các người lao động được biết.
Thực hiện tốt công tác AT-VSLĐ hàng ngày sẽ giúp cho các nhà thầu khắc phục kịp thời những tiềm ẩn mất an toàn phát sinh trong thi công, nâng cao hơn ý thức chấp hành của người lao động, góp phần giảm thiểu tai nạn lao động, đặc biệt là tai nạn lao động nghiêm trọng, tai nạn chết người, đồng thời gìn giữ và nâng cao uy tín của DN trong thời kỳ hội nhập.