Tai nạn lao động gia tăng do thiếu văn hóa an toàn lao động
Tại hội thảo “Trách nhiệm của CĐCS trong việc tăng cường văn hóa an toàn và các biện pháp phòng ngừa TNLĐ và BNN, cháy nổ tại nơi làm việc” tổ chức ngày 15.3, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính đã đặt câu hỏi: Để xây dựng văn hóa an toàn, phòng ngừa TNLĐ, BNN, PCCN tại nơi làm việc, CĐCS phải làm gì trong thời gian tới?
Thiếu các trang thiết bị cần thiết như dây an toàn, mũ bảo hộ khi làm viêc tại những nơi có độ cao so với mặt đất.
Ý thức còn kém
Không hẳn do hội thảo của Tổng LĐLĐVN tổ chức nhân Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ-PCCN lần thứ 15 năm 2013, mà còn vì TNLĐ luôn là vấn đề nóng nên đại diện Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế, Bộ CA, các LĐLĐ địa phương, CĐ ngành TƯ đã tham dự, chia sẻ kinh nghiệm. Báo cáo từ 30/72 địa phương, ngành trên cả nước cho thấy năm 2012 đã xảy ra 5.062 vụ TNLĐ, làm 5.239 người bị thương và 592 người chết (số người chết do TNLĐ tăng 19 người so với năm 2008 là năm hầu hết các địa phương và ngành đều có tổng hợp báo cáo). TNLĐ đang tiếp tục gia tăng, số người thiệt mạng do TNLĐ cũng tiếp tục tăng mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là do con người, đặc biệt là do người sử dụng lao động (NSDLĐ) không đảm bảo điều kiện làm việc an toàn cho NLĐ, còn NLĐ (đa phần là LĐ phổ thông, có tuổi nghề thấp) chưa ý thức và chấp hành tốt các điều kiện đảm bảo an toàn trong LĐ.
Vấn đề đặt ra hiện nay là nếu thiếu văn hóa an toàn trong LĐ thì TNLĐ sẽ tiếp tục gia tăng và tiếp tục gieo rắc khổ đau không chỉ cho gia đình nạn nhân. Ông Trần Ngọc Bính - Trưởng ban Chính sách – Pháp luật LĐLĐ tỉnh Hải Dương và một số đại biểu khác cũng nhận định nguyên nhân xảy ra TNLĐ là do nhận thức, hiểu biết của NSDLĐ và NLĐ về ATVSLĐ - PCCN còn thấp, môi trường làm việc không đảm bảo an toàn..., trong khi NSDLĐ chưa tạo điều kiện đầy đủ để CĐCS và mạng lưới ATVSV hoạt động hiệu quả. Nhiều nơi còn coi nhẹ việc huấn luyện ATVSLĐ cho CNLĐ...
Làm thế nào để có văn hoá ATLĐ? Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), “Văn hóa an toàn tại nơi làm việc là văn hóa trong đó quyền có một môi trường làm việc an toàn của NLĐ được tất cả các cấp tôn trọng. Chính phủ, NSDLĐ và NLĐ đều tham gia tích cực vào việc đảm bảo môi trường làm việc an toàn thông qua một hệ thống các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ được xác định, trong đó nguyên tắc phòng ngừa được đặt vào vị trí ưu tiên hàng đầu”.
Một trong những giải pháp mà Tổng LĐLĐVN đề ra để phát huy trách nhiệm của CĐCS trong việc tăng cường văn hoá an toàn và các biện pháp phòng ngừa TNLĐ và BNN, cháy nổ tại nơi làm việc là CĐCS thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định về BHLĐ ở các DN; thông tin kịp thời về các vụ TNLĐ, những nguy cơ TNLĐ cho các cấp CĐ để thông báo cho các DN và NLĐ rút kinh nghiệm và có biện pháp phòng ngừa.
Đại diện CĐ Xây dựng cho rằng, xây dựng “văn hoá ATLĐ” ở DN nhằm tạo ra thói quen làm việc an toàn, thói quen cư xử có văn hoá (chấp hành một cách tự giác) đối với việc thực hiện các quy định ATVSLĐ của DN... Vai trò của CĐCS trong lĩnh vực này hết sức quan trọng. Để thực sự có được “văn hoá ATLĐ” như mong muốn, CĐCS phải tham gia điều tra, kết luận đầy đủ và kịp thời tất cả các vụ TNLĐ để đề ra được những biện pháp đúng, có hiệu quả về phòng ngừa TNLĐ. Trách nhiệm CĐCS còn được nhấn mạnh ở chỗ thực hiện tốt việc đại diện tập thể NLĐ tham gia xây dựng và ký TƯLĐTT trong đó có các điều khoản về ATVSLĐ; phối hợp với NSDLĐ khuyến khích NLĐ phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm cải thiện môi trường làm việc; tham gia với NSDLĐ trong việc xây dựng các quy chế, nội quy quản lý về ATVSLĐ...
Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ, PCCN lần thứ 15 năm 2013 đã được đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Bí thư TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội - phát động ngày 17.3 tại KCN Quang Châu, tỉnh Bắc Giang với chủ đề “Tăng cường văn hóa ATLĐ và các biện pháp phòng ngừa TNLĐ, BNN, PCCN tại nơi làm việc”. Trưởng ban Chỉ đạo Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ, PCCN TƯ Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH - đã đề ra một số giải pháp, trong đó nhấn mạnh việc tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn trong LĐ, có biện pháp ngăn ngừa TNLĐ, BNN tại nơi làm việc. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cứ mỗi 15 giây, trên thế giới có 1 CN chết vì TNLĐ hoặc bệnh nghề nghiệp; và cứ mỗi 15 giây, 160 CN bị tai nạn khi đang làm việc. Gánh nặng kinh tế do điều kiện ATLĐ và vệ sinh ở nơi làm việc không đảm bảo ước tính tương đương với 4% GDP toàn cầu mỗi năm. Giám đốc quốc gia Văn phòng ILO tại VN - ông Gyorgy Sziraczki - cho biết, do phần lớn các vụ TNLĐ có nguyên nhân từ chính con người, việc tăng cường nhận thức về ATVSLĐ cần được thực hiện ở phạm vi lớn hơn không chỉ ở nơi làm việc. Tại VN, số liệu của Bộ LĐTBXH cho biết năm 2012 có 606 người chết vì TNLĐ, tăng gần 10% so với năm 2011. Năm 2012 cũng ghi nhận gần 6.800 vụ TNLĐ, thiệt hại về tài sản là 11 tỉ đồng và chi phí bồi thường lên tới 82,6 tỉ đồng.