Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam, đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại sẽ khắc phục tình trạng gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường và sức khỏe người lao động.
An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đang là vấn đề nóng khi số vụ tai nạn lao động và bệnh liên quan đến nghề nghiệp đang có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra là do cả phía người sử dụng lao động và người lao động.
Có 180 công nhân lao động, trong đó lao động nữ chiếm 80%, Công ty cổ phần dệt may Supertex (Cụm công nghiệp Thanh Oai, Hà Nội) hằng năm đều xây dựng và tổ chức thực hiện ATVSLĐ. Công ty đã quy định, phân công rõ trách nhiệm tới từng bộ phận, từng chức danh quản lý, có cán bộ bán chuyên trách làm công tác này.
Tổng giám đốc Công ty Đồng Thị Thanh Hà cho biết, với đặc thù là một doanh nghiệp xuất khẩu dệt may quốc tế có thị trường chủ yếu là Nhật Bản, Hoa Kỳ... các đối tác luôn đòi hỏi môi trường làm việc phải đáp ứng được yêu cầu khắt khe của họ. Sau những chuyến khảo sát, phía bạn đều đánh giá cao về nơi làm việc, chất lượng các trang thiết bị, vật tư, nhà xưởng, đặc biệt là các sản phẩm đầu ra của công ty đã có uy tín, tạo được chỗ đứng trên thị trường.
Trong 04 năm qua, công ty không để xảy ra tai nạn lao động và cháy nổ, mất ATVSLĐ. Nguy cơ cháy nổ luôn được phòng ngừa và kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt. Cùng với đảm bảo giờ giấc làm việc, nghỉ ngơi cho người lao động, công ty thực hiện nghiêm túc việc làm thêm giờ, bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật, ăn giữa ca và trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân như quần áo bảo hộ, mũ bảo hộ lao động tiêu chuẩn, ủng, nút chống ồn… các phương tiện cấp cứu theo quy định và duy trì thường xuyên việc kiểm tra chấp hành của người lao động.
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng làm được như Supertex. Như ở Hà Nam, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Lê Hồng Quân cho biết, phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn đều đã trang thiết bị bảo hộ lao động, tuy nhiên vẫn còn công nhân chưa được cấp phát đầy đủ các phương tiện bảo vệ cần thiết, thậm chí có công nhân làm việc trong điều kiện không có trang thiết bị bảo hộ. Hầu hết các doanh nghiệp đều có quy định chấp hành ATVSLĐ nhưng còn tình trạng không quy định cụ thể, công khai việc phải đảm bảo tiêu chuẩn, chế độ thế nào đối với công nhân như một tháng, một năm được trang bị những thứ gì, chất lượng ra sao, chất lượng máy móc nhà xưởng để bảo đảm an toàn, vệ sinh cho công nhân như thế nào…
Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật, chấp hành nội quy về ATVSLĐ của công nhân còn chưa tốt, nhận thức của người lao động còn hạn chế do chưa qua đào tạo nghề ở các trường chuyên nghiệp, hiểu biết pháp luật thấp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp của công nhân chưa cao nên khi được trang bị phương tiện bảo hộ lao động, công nhân cũng không sử dụng, ông Quân cho biết thêm.
Chính việc còn xem nhẹ ATVSLĐ mà ở nước ta, trong những năm gần đây, số vụ tai nạn lao động và bệnh liên quan đến nghề nghiệp đang có xu hướng gia tăng. Theo công bố mới nhất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2014, trên toàn quốc đã xảy ra 6.709 vụ tai nạn lao động, trong đó số vụ chết người là 592 vụ, làm chết là 630 người; bị thương nặng 1.544 người; gần 28 nghìn người lao động mắc các bệnh liên quan đến công việc.
Còn theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO), ước tính mỗi năm, số người chết do tai nạn và bệnh liên quan đến nghề nghiệp trên phạm vi toàn cầu là 2,34 triệu người, trong đó, số người chết do bệnh nghề nghiệp khoảng 2,02 triệu người. Thiệt hại kinh tế do tai nạn và bệnh nghề nghiệp ước tính mỗi năm là 4% GDP toàn cầu (khoảng 2.800 tỷ đô la Mỹ).
Trưởng đại diện Quỹ châu Á Michael Digregorio khẳng định, phần lớn các vụ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp có nguyên nhân cả ở người sử dụng lao động và người lao động. Người sử dụng lao động chưa xây dựng được quy trình, biện pháp làm việc an toàn, chưa huấn luyện an toàn lao động cho người lao động, chưa đầu tư đúng mức cho môi trường làm việc. Trong khi đó, người lao động lại chưa nhận thức được hết về quyền và nghĩa vụ của mình trong việc đảm bảo quy trình làm việc an toàn.
Để cải thiện tình trạng này, theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam, cùng với việc phát huy vai trò của người sử dụng lao động, cần có các quy định bắt buộc doanh nghiệp phải đầu tư, đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại, khắc phục tình trạng gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường và sức khỏe người lao động. Hạn chế cấp phép thành lập mới những doanh nghiệp thuộc ngành gia công có công nghệ đã qua sử dụng, lạc hậu cùng với việc sớm ban hành tiêu chuẩn và xây dựng các trung tâm kiểm định về chất lượng, đánh giá sự tác động của máy móc, công nghệ tới môi trường và sức khỏe công nhân trong khu vực chịu ảnh hưởng. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định về ATVSLĐ nhằm phát hiện các mối nguy hại tại nơi làm việc để kịp thời ngăn chặn, loại trừ những rủi ro, đảm bảo an toàn trong lao động, sản xuất.
TS kỹ thuật Nguyễn Thắng Lợi, Viện Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động thì nhấn mạnh tới sự chủ động của người sử dụng lao động. “Khi người sử dụng lao động trực tiếp quản lý ATVSLĐ từ xây dựng chính sách, mục tiêu, kế hoạch đến tổ chức thực hiện, thường xuyên kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả hoạt động ATVSLĐ, coi người lao động không đơn thuần là đối tượng quản lý mà là chủ thể quản lý, có cơ chế đào tạo và khuyến khích họ thực hiện ATVSLĐ thì tình trạng mất an toàn, các vụ tai nạn lao động và bệnh liên quan đến nghề nghiệp chắc chắn sẽ đẩy lùi”, TS Lợi nêu quan điểm./. Sản phẩm cùng theo có thể kể đến: giày bảo hộ lao động hay dây đai an toàn tiêu chuẩn.