Bảo hộ lao động Hà Nội

Tin tức an toàn lao động, bảo hộ lao động

Bộ LĐ-TB&XH đưa ra nhiều giải pháp Ngăn ngừa tai nạn lao động gia tăng

Báo cáo mới nhất từ Bộ LĐ-TB&XH cho hay, con số thống kê 6 tháng đầu năm 2014 cho thấy, số vụ tai nạn lao động trong cả nước tăng cả về số vụ và số nạn nhân tử vong… Bộ đã đưa ra một số giải pháp để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng này.

Nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2014 cả nước đã xảy ra 3.454 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 3.505 người bị nạn trong đó số vụ TNLĐ chết người là 258 vụ. So với 6 tháng đầu năm 2013, số vụ TNLĐ tăng 132 vụ (tăng 3%), tổng số nạn nhân tăng 74 người (tăng 2%), số vụ TNLĐ chết người giảm 65 vụ (giảm 20%) và số người chết giảm 25 người (giảm 8%).

Hiện nay người lao động đang phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại, có nguy cơ mất an toàn cao. Trong đó, cháy nổ, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có xu hướng tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm cả nước có 160.000 -170.000 người bị tai nạn lao động. Tình trạng cháy nổ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vẫn để xảy ra nhiều. Tuy nhiên, công tác thanh tra kiểm tra mới chỉ tập trung ở khu đô thị, các khu công nghiệp còn trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các làng nghề, khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế.

15Cứu hộ tại vụ tai nạn tại Công ty than Đồng Vông rất khó khăn

Một số vụ TNLĐ nghiêm trọng 6 tháng đầu năm 2014 phải kể ra như: Vụ tai nạn do cháy xảy ra vào 23g30 ngày 15/1/2014 làm 6 người chết và  1 người bị thương nặng tại Công ty TNHH MTV than Đồng Vông, phường Trưng Vương, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; Vụ tai nạn do ngạt khí xảy ra vào 10g30 ngày 11/4/2014 làm 3 người chết và 3 người bị thương tại công ty cổ phần Vĩnh Phát, Khu Công nghiệp Phú Bài, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế; Vụ tai nạn do đá lăn xảy ra vào 13g30 ngày 23/4/2014 làm 2 người chết tại mỏ đá núi Đồng Thung thuộc Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng 125- Cencol, đường Thành Thái, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hóa.

Nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người là do người sử dụng lao động chiếm 54,1%, cụ thể: Người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động; Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn;  Thiết bị không đảm bảo an toàn lao động, chưa trang bị đủ quần áo bảo hộ, dây an toàn trong khi làm việc;  Do tổ chức lao động. Ngoài ra, nguyên nhân từ người lao động chiếm 24,6% như: Người lao động vi phạm quy trình quy phạm an toàn lao động; Người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Còn lại 21,3% xảy ra do các nguyên nhân khách quan khác nhau.

Về xử lý trách nhiệm đối với vụ tai nạn lao động, tính tới giữa tháng 8/2014, Bộ LĐTBXH đã nhận được 81 biên bản điều tra (87 người chết), hầu hết các vụ TNLĐ chết người hoặc làm 2 người bị thương nặng trở lên đều được đoàn điều tra đề nghị xử lý. Ngoài việc yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện ngay các biện pháp khắc phục hậu quả nhằm phòng tránh tai nạn tái diễn và thực hiện các chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật thì đoàn điều tra yêu cầu tiến hành xử lý hành chính và kiểm điểm những người có lỗi. Tuy nhiên, trong số 258 vụ tai nạn lao động gây chết người, cơ quan cảnh sát điều tra mới chỉ khởi tố có 1 vụ tại Công ty TNHH MTV Than Đồng Vông vì “Vi phạm các quy định về an toàn lao động”.

Các giải pháp phòng ngừa

Căn cứ vào tình hình và nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động trong 6 tháng đầu năm 2014, để chủ động phòng ngừa và hạn chế TNLĐ trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị:

  1. Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp với Thanh tra nhà nước về lao động trong việc điều tra, xử lý nhanh, dứt điểm các vụ tai nạn lao động để kịp thời giải quyết chế độ cho người lao động bị tai nạn lao động cũng như có biện pháp khắc phục những sai phạm.

  2. Các Bộ, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác an toàn lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn lao động, đặc biệt là các hành vi vi phạm dẫn đến tai nạn lao động, hành vi không chấp hành nghiêm chỉnh chế độ khai báo, thống kê, báo cáo tai nạn lao động.

  3. Uỷ ban nhân dân các địa phương quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động, đặc biệt là 10 địa phương xảy ra nhiều tai nạn lao động trong 06 tháng đầu năm 2014.

  4. Các doanh nghiệp triển khai thực hiện tốt các nội dung về công tác an toàn, vệ sinh lao động theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2011/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 10/01/2011 của Liên bộ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế. Tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động theo quy định tại Thông tư số 27/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động.

  5. Triển khai thực hiện tốt các hoạt động của Chương trình Quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2014 nhằm đạt các mục tiêu của Chương trình Quốc gia an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2011 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2281/QĐ-TTg ngày 10/12/2010.

  6. Triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động và người lao động, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm an toàn và sức khoẻ cho người lao động. Ngoài ra các trang thiết bị hỗ trợ an toàn người lao động tốt có thể kể đến mũ bảo hộ lao động. hay giày bảo hộ lao động mũi sắt.