Bảo hộ lao động Hà Nội

Tin tức an toàn lao động, bảo hộ lao động

Vẫn còn ít người đi xuất khẩu lao động dù đã được hỗ trợ nhiều về chi phí

Theo thông tin mà Châu Hưng chúng tôi tìm hiểu được thì có đề án hỗ trợ chi phí cho lao động phổ thông tại Việt Nam đi xuất khẩu lao động, và đã được triển khai từ năm 2009 nhưng đến 2015 mà đề án vẫn chưa đạt được hiệu quả rõ rệt.

Mục tiêu đạt thấp

Không thể phủ nhận, khi điều kiện giải quyết việc làm tại chỗ trong nước còn nhiều hạn chế, thì xuất khẩu lao động chính là “phao cứu sinh” của NLĐ ở 62 huyện nghèo trên cả nước. Minh chứng là hàng tháng, nhiều lao động tại Malaysia, Đài Loan gửi về cho gia đình từ 5 – 10 triệu đồng, lao động tại Hàn Quốc, Nhật Bản cao hơn với mức từ 15 – 20 triệu đồng. Nhờ đó, nhiều gia đình đã cải thiện được cuộc sống, thoát khỏi diện đói nghèo và vươn lên làm giàu.

 

Hỗ trợ chi phí, lao động vẫn ngại đi xuất khẩu

Thế nhưng, một nghịch lý là dù người dân được miễn toàn bộ chi phí học nghề, ngoại ngữ, ăn ở, đi lại và được hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp trước khi đi làm việc ở nước ngoài, nhưng sau gần 6 năm thực hiện Đề án 71, chỉ có 9.000 lao động tại các huyện nghèo đi xuất khẩu lao động, thấp hơn nhiều lần so với mục tiêu đề ra. Cụ thể, trong giai đoạn thí điểm từ năm 2009 – 2010, đưa 5.000 người đi xuất khẩu lao động; từ 2011 – 2015, đưa đi 50.000 người và từ 2016 – 2020 tăng thêm 15% số lao động. Hơn thế, ở hầu hết 62 huyện nghèo thuộc phạm vi thực hiện Đề án 71, số người đi xuất khẩu lao động ngày càng giảm. Đơn cử, năm 2010, cả tỉnh Thanh Hóa có 823 người được đưa đi xuất khẩu lao động, thì năm 2011 còn 451 người, năm 2012 còn 310 người và năm 2013 tụt xuống ở mức khoảng 100 người.

Hỗ trợ chi phí môi giới, dịch vụ

Nguyên nhân của tình trạng nêu trên được đại diện Cục Quản lý Lao động ngoài nước lý giải là vì khoảng 60% lao động tham gia Đề án là hộ nghèo, người dân tộc thiểu số có trình độ tiểu học trở xuống. Tâm lý không muốn xa quê hương, bản làng khiến nhiều người không muốn tham gia xuất khẩu lao động, hoặc bỏ cuộc giữa chừng. Nhiều trường hợp khác vì nghe được những thông tin về rủi ro có thể xảy ra khi làm việc ở nước ngoài cũng từ bỏ ý định. Và thực tế, đã có những công ty “ma” lừa NLĐ trình độ thấp đi xuất khẩu lao động, khiến họ mắc nợ oan đã làm nhiều người mất lòng tin đối với dịch vụ này.

 

Bởi vậy, dù theo quy định DN tham gia Đề án 71 được quyết toán phần kinh phí hỗ trợ NLĐ sau khi ứng trước một số khoản, nhưng nhiều DN vẫn bị thua lỗ vì tốn rất nhiều cho chi phí tạo nguồn, tuyên truyền mà số người đi xuất khẩu lao động quá ít và lâu được quyết toán số tiền phải ứng trước. Bởi thế, từ trên 50 DN tham gia Đề án 71, đến nay còn chưa đến 20 đơn vị. Để tăng sức nổi cho “phao cứu sinh”, một số DN cho rằng, Đề án 71 chỉ hỗ trợ NLĐ các chi phí trước khi đi, còn các chi phí khác như phí môi giới, phí dịch vụ phải vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Do hầu hết NLĐ thuộc đối tượng nghèo, nên đây là gánh nặng đối với họ. Vì thế, nếu Nhà nước hỗ trợ thêm phí môi giới, dịch vụ cho NLĐ sẽ có nhiều người nghèo đi xuất khẩu lao động hơn.

Về vấn đề này, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, đầu năm 2014, Bộ LĐTB&XH đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng tay nghề và khả năng giao tiếp của NLĐ; lựa chọn kỹ hơn và công khai tên các DN được phép đưa người đi xuất khẩu lao động; đề nghị chính quyền địa phương định hướng và giúp NLĐ đi XKLĐ, và tạo cơ hội việc làm cho NLĐ bị trả về trước thời hạn do sai phạm… để họ sớm hoàn trả nợ đã vay. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan cũng đang ra sức tìm kiếm, mở rộng thị trường, ngành nghề ở nước ngoài tiếp nhận lao động Việt Nam để đẩy mạnh hoạt động này. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2014, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 55.205 lao động, tăng so với cùng kỳ năm 2013.