Bảo hộ lao động Hà Nội

Tin tức an toàn lao động, bảo hộ lao động

Hà Nội: Vấn đề về tuyên truyền về an toàn lao động cho công nhân

Mặc dù các cấp, các ngành, tổ chức Công đoàn Thủ đô và các doanh nghiệp đã có nhiều biện pháp thiết thực phòng ngừa TNLĐ và bệnh nghề nghiệp, song công tác ATVSLĐ trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại và là một trong 10 địa phương có số vụ tai nạn lao động, cháy nổ cao nhất cả nước, đặc biệt TNLĐ chết người.

 

4 

 

Đây là đánh giá của Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP.Hà Nội tại hội thảo “Đánh giá thi hành pháp luật về ATVSLĐ giai đoạn 1995-2012 và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn”

Thời gian qua, cùng với các cơ quan Nhà nước và chính quyền đồng cấp, tổ chức công đoàn Thủ đô đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả công tác an toàn vệ sinh lao động. Hàng năm, các cấp công đoàn đã tập trung tuyên truyền các chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác an toàn vệ sinh lao động đến với người lao động; tổ chức hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi; in ấn hàng vạn ấn phẩm, tài liệu có nội dung về an toàn vệ sinh lao động để phát đến tay người lao động...

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được sau 18 năm thi hành pháp luật ATVSLĐ, công tác ATVSLĐ trên địa bàn vẫn còn những tồn tại, hạn chế đó là: Tình hình tai nạn trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp và còn ở mức cao, Hà Nội vẫn là một trong 10 địa phương có số tai nạn lao động và cháy nổ cao nhất cả nước, đặc biệt là tai nạn lao động chết người. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2014 trên địa thành phố Hà Nội đã để xảy ra 142 vụ TNLĐ làm 156 người bị nạn, trong đó TNLĐ chết người là 31 vụ làm 35 người chết, 10 người bị thương nặng.

 

Nguyên nhân của các vụ TNLĐ cháy nổ được đánh giá, chủ yếu xuất phát từ sự vi phạm pháp luật về ATVSLĐ của người sử dụng lao động và người lao động. Nhiều doanh nghiệp chưa đảm bảo các điều kiện làm việc an toàn, chưa trang bị đầy đủ các phương tiện như quần áo bảo hộ, dây an toàn hay giày bảo hộ cao cấp cho người lao động; chưa quan tâm khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Bên cạnh đó, trình độ nhận thức, trình độ văn hóa, tác phong công nghiệp của một bộ phận người lao động chưa cao, còn có hiện tượng làm bừa, làm ẩu, coi thường tính mạng bản thân, coi thường nguy hiểm, vi phạm các quy định, nội quy ATVSLĐ trong quá trình làm.

 

 Công tác thanh tra, xử lý các doanh nghiệp vi phạm về lĩnh vực ATVSLĐ của các cơ quan quản lý Nhà nước còn chưa nghiêm, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe nên tình trạng vi phạm về pháp luật BHLĐ còn diễn ra nhiều. Tổ chức Công đoàn một số nơi chưa quan tâm đúng mức đến công tác BHLĐ. Vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động trong công tác ATVSLĐ ở một số CĐCS còn mờ nhạt. Việc tổ chức hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên và phong trào thi đua ở một số đơn vị còn hình thức và hiệu quả chưa cao. Đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ của tổ chức Công đoàn và các cơ quan quản lý Nhà nước còn thiếu, một số cán bộ trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế hiện nay.

 

Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản dưới Luật chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập và khó đi vào thực tế, các thủ tục hành chính về lĩnh vực BHLĐ còn rườm rà và thiếu thực tế như: Quy định về thời gian một lần huấn luyện định kỳ ATVSLĐ, doanh nghiệp rất khó thực hiện; điều kiện để người lao động được hưởng chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật còn chưa hợp lý; Công tác đo kiểm tra môi trường lao động hàng năm dễ tạo cơ chế tiêu cực và thiếu khách quan, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động; việc thực thi các quyết định xử phạt hành chính về lĩnh vực BHLĐ còn thiếu các cơ chế để thực hiện.

 

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn cho người lao động, theo đồng chí Đặng Minh Thuần, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP. Hà Nội cần phải: Thường xuyên tuyên truyền phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, CNVCLĐ về chính sách, pháp luật lao động, đặc biệt là các quy định mới về công tác ATVSLĐ. Động viên cán bộ, CNVCLĐ phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn liền với vấn đề ATVSLĐ - PCCN trong lao động sản xuất và bảo vệ môi trường. Đồng thời kiện toàn bộ máy làm công tác ATVSLĐ của các cấp công đoàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới An toàn vệ sinh viên, thường xuyên tập huấn nâng cao trình độ hiểu biết về công tác ATVSLĐ – PCCN.

 

 Bên cạnh đó, cần phối hợp với cơ quan quản lý đồng cấp đổi mới hình thức, nội dung và phương pháp huấn luyện về công tác ATVSLĐ cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng loại hình sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xây dựng chế tài đủ mạnh và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm… Đồng thời đưa ra các kiến nghị, đề xuất với TP và Trung ương. Trong đó, nhấn mạnh đến việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao mức xử phạt đối với vi phạm; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đánh giá mức độ an toàn, chưa an toàn và có cơ chế ràng buộc, nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên ngành.