Bảo hộ lao động Hà Nội

Tin tức an toàn lao động, bảo hộ lao động

Điểm Lại “ nóng” vấn đề an toàn lao động ngành than khoáng sản VN

Khai thác than là một ngành công nghiệp quan trọng vào bậc nhất ở nước ta, song nó cũng nằm trong những nghề khá nguy hiểm, luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao.

Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) có 20 mỏ khai thác hầm lò, trong đó có 7 hầm lò có công xuất từ 1.000.000 tấn than trở lên gồm các mỏ: Mạo Khê, Vàng Danh, Nam Mẫu, Hà Lầm, Mông Dương, Khe Chàm, Dương Huy. Hầu hết các mỏ còn lại đã được cải tạo công xuất để đạt mức 300.000 tấn – 800.000 tấn/năm.

Ở hầu hết các mỏ hầm lò, sơ đồ khai thông, mở vỉa được áp dụng là phương pháp khai thông bằng giếng nghiêng kết hợp lò bằng từng tần, sử dụng băng tải vận chuyển than trên giếng chính để đáp ứng yêu cầu nâng công suất mỏ hàng năm.

1

Những năm gần đây, các vụ tai nạn lao động chết người trong ngành than liên tục xảy ra bởi các sự cố kỹ thuật trong các mỏ hầm lò. Những sự cố kỹ thuật dẫn đến tai nạn lao động gây thương vong tại các mỏ hầm lò phần lớn là do không kiểm soát được các thông số an toàn, hệ thống cảnh báo mất an toàn không tác dụng, hoặc quy trình lao động trong môi trường đặc biệt dưới lòng đất, độ âm so với mặt nước biển quá lớn chưa thực sự tiếp cận với thực tế đang diễn ra.

Thống kê cho thấy, năm 2010, tổng số vụ tai nạn lao động ngành than là 35 vụ, 42 người chết, năm 2012 còn 30 vụ và 34 người chết; đến năm 2014 đã giảm còn 22 vụ và 27 người chết. Tuy tai nạn trong ngành có chiều hướng giảm, song đợt mưa lũ kỷ lục kéo dài suốt 10 ngày rồi tàn phá vùng Đông Bắc cho thấy ngành than bất lực hoàn toàn trước thiên tai và chỉ biết tuyệt vọng phó mặc mọi chuyện cho trời đất mà không có bất cứ một giải pháp khả dĩ nào để hạn chế thiệt hại. 

Hoạt động khai thác than khoáng sản trong hầm lò luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn lao động, người lao động luôn bị rình rập nguy cơ tai nạn như: áp lực mỏ, cháy nổ khí, đá đổ, sập lò, bục nước, ngạt khí... Đặc biệt, tình hình thời tiết luôn biến động, diễn biến phức tạp khiến cho công việc lao động trong hầm lò gặp nhiều trở ngại, điều kiện khai thác hầm lò ngày càng xuống sâu, địa chất phức tạp, công tác quản lý kỹ thuật an toàn còn hạn chế cho nên vẫn còn nhiều sự cố, tai nạn xảy ra. Ðáng lưu ý là một số vụ tai nạn có tính chất lặp lại, phức tạp gia tăng.

Nguyên nhân chính khiến tai nạn lao động trong khai thác than hầm lò có là do nguồn tài nguyên nằm sâu hơn trong địa tầng, cấu trúc địa chất mỗi ngày một phức tạp, khó lường. Thế nhưng, điểm lại một số vụ tai nạn lao động của ngành than thời gian gần đây cho thấy còn rất nhiều nguyên nhân chủ quan.

Trước hết là do thiếu đầu tư cho công tác an toàn lao động, hỗ trợ đồ bảo hộ lao động cho công nhân trong khai thác than hầm mỏ nói chung, khai thác than nói riêng. Quần áo bảo hộ ngành, các thiết bị hỗ trợ, mũ bảo hộ trong ngành phải có đèn ..

Thống kê cho thấy, phần lớn số vụ tai nạn nặng đều xảy ra ở dưới hầm lò với nguyên nhân gây tử vong do nổ các loại khí độc. Thế nhưng, không ít mỏ than chỉ đầu tư hệ thống cảnh báo khí mê-tan (CH4) mà không thể đo đếm/cảnh báo được các nguồn khí độc khác. đây là một thiếu sót vô cùng nghiêm trọng. Ngoài ra cần trang bị thêm cho người công nhân găng tay và khẩu trang phòng độc cùng với đôi giày bảo hộ chống đâm xuyên trong hầm mỏ.

Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan thứ hai được chỉ ra, lớn hơn, nguy hiểm hơn lại thuộc về tư duy quản lý. Khi kỹ sư không biết đeo đèn, công nhân không biết khoan 2 chòm, máy xúc đá, không phân biệt được màu gió hay đường lò bẩn/sạch là những kiến thức rất đơn giản, yêu cầu tối thiểu của lao động hầm lò. Cao hơn, đó là sự coi thường, tắc trách, chủ quan trong sử dụng nguồn nhân lực.

Cần làm gì để giảm thiểu những sự cố đáng tiếc?

Để đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, thời gian qua, lãnh đạo Vinacomin đã quan tâm triển khai nhiều biện pháp, giải pháp giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Trong đó, phải kể đến việc ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định thực hiện công tác an toàn lao động như: quản lý khí mỏ, cơ điện – vận tải mỏ, thoát nước mỏ, quản lý xe chở người, quản lý kỹ thuật mỏ than, công tác phòng cháy chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn, quản lý thiết bị mỏ, quản lý môi trường và quản lý công tác an toàn.

Cùng với đó là đầu tư công nghệ mới trong sản xuất để nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc và tăng hệ số đảm bảo an toàn lao động, giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Đặc biệt, cần đầu tư thiết bị phục vụ công tác an toàn vệ sinh lao động, lắp đặt hệ thống tháo khí tại những vỉa có độ xuất khí cao, đầu tư các khoan thăm dò lỗ khoan dài có đường kính lớn, máy phát điện dự phòng cấp điện cho trạm quạt gió chính và bơm nước; lắp đặt camera để kiểm soát hoạt động của hệ thống tời trục và các vị trí quan trọng trong hầm lò, lắp đặt thiết bị định vị vệ tinh GPS trên các xe ô tô (các mỏ lộ thiên) để phục vụ công tác quản lý cung độ, tốc độ vận hành.

Không chỉ vậy, Vinacomin cũng đã tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột suất tại các khai trường của từng đơn vị, sau các đợt kiểm tra có biên bản kiến nghị khắc phục các tồn tại và làm cơ sở để kiểm tra, phúc tra hoặc thông báo nhằm chấn chỉnh đối với các vi phạm tương tự trong toàn Tập đoàn.

Định kỳ hàng quý, tổ chức hội nghị kiểm điểm công tác an toàn vệ sinh lao động để phân tích nguyên nhân, đề ra các biện pháp khắc phục đối với các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, các sự cố đã xảy ra để rút kinh nghiệm và chấn chỉnh trong toàn Tập đoàn và đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cụ thể cho từng quý và cả năm để các đơn vị triển khai đến người lao động.

Ngoài ra, để giảm tai nạn lao động, các cơ quan chức năng liên quan cũng cần thường xuyên rà soát, xem xét quy trình, yêu cầu về bảo đảm an toàn cho người lao động và có biện pháp xử lý thật nặng những trường hợp vi phạm để răn đe và làm bài học giáo dục chung. Ðồng thời, tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về an toàn lao động, đổi mới phương thức huấn luyện an toàn cho thợ mỏ.

Song, mọi biện pháp chỉ mang tính bảo hộ bên ngoài, điều quan trọng nhất để phòng ngừa, giảm tối đa tai nạn lao động là người lao động cần nêu cao ý thức kỷ luật lao động, tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy trình bảo đảm an toàn./.