Bảo hộ lao động Hà Nội

Tin tức an toàn lao động, bảo hộ lao động

Kiểm soát chặt để hạn chế tai nạn từ cần cẩu tháp trên công trường, các tòa nhà cao tầng

Các sự cố xảy ra liên tiếp tại hai công trường đường sắt đô thị ở Hà Nội, đe dọa tính mạng người lao động và người dân thời gian gần đây đặt ra vấn đề lâu nay ít được để ý tới. Đó là kiểm tra, kiểm soát bảo đảm phạm vi hoạt động an toàn của các cần cẩu, cẩu tháp.

1

Nguy hiểm rình rập trên cao

Tại Hà Nội hiện có nhiều dự án lớn được triển khai, cần phải bảo đảm an toàn không chỉ cho công nhân làm việc tại công trường, mà cho cả những người dân hằng ngày phải đi lại hoặc sinh sống gần khu vực thi công. UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các nhà thầu có phương án thi công an toàn. Tuy nhiên, các sự cố vẫn xảy ra liên tiếp.

Chiều tối 10/5, tại công trường đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, một chiếc cọc cừ dài gần chục mét rơi từ trên cao xuống nằm chắn ngang đường Hồ Tùng Mậu. Mặc dù không ai bị thương nhưng người đi đường đã bị một phen hoảng hốt. Ngày 12/5, vào giờ tan tầm buổi chiều, tại khu vực số nhà 59, 61 đường Cầu giấy, chiếc cần cẩu đang hoạt động trong công trường dự án này đột nhiên đổ sập vào nhà dân và làm ba người đi đường bị thương. Khoảng 9 giờ sáng hôm đó, một chiếc ôtô đang lưu thông qua nút giao Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) bỗng nhiên bị thanh thép từ công trường đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông rơi xuống trúng cánh cửa xe bên trái. Tháng 11 năm ngoái, cũng tại công trường này, một bó thép trong lúc đang được cẩu lên cao bất ngờ đứt cáp rơi xuống làm chết một người đi đường; một người khác bị thương nặng...

Nguyên nhân các sự cố này trước hết là do sự cẩu thả của nhà thầu thi công. Tuy nhiên, những sự việc nêu trên đặt ra vấn đề, lâu nay chúng ta mới chỉ kiểm tra, kiểm soát công trình ở phạm vi rào chắn dưới mặt đất, ít chú ý đến những chiếc cần cẩu, cẩu tháp vẫn hằng ngày vươn ra khỏi công trường để hoạt động, cẩu kéo vật liệu xây dựng ngay trên đầu người dân. Ngày 15/5, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở Xây dựng, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an thành phố đã rà soát thực tế về vấn đề này. Kết quả cho thấy, không ít nhà thầu rất vô trách nhiệm, thi công cẩu kéo vào ban ngày mà không thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn; trong khi đó công tác quản lý nhà nước bị buông lỏng.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Việt Trung cho biết, ngay trong ngày đầu kiểm tra, 16 cần cẩu, cẩu tháp tại các công trình đang triển khai đã bị dừng hoạt động do vươn ra ngoài phạm vi công trường mà không tuân thủ các quy định về an toàn. Điển hình như: Công trình xây dựng chung cư cao cấp Golden West, số 1 đường Lê Văn Thiêm (quận Thanh Xuân) có trục cẩu tháp vươn ra ngoài phạm vi công trường. Cẩu và móng cẩu nằm cạnh hai tuyến đường Lê Văn Lương và Lê Văn Thiêm vốn có nền đất yếu, trong khi công trình còn đào hầm sâu. Khi đoàn công tác tới kiểm tra, phải đợi một giờ sau, đại diện ban quản lý dự án này mới có mặt để làm việc. Tại công trình xây dựng Nhà ở - dịch vụ - thương mại Golden Palace Lê Văn Lương (quận Cầu giấy), cẩu tháp cũng vươn ra khỏi hàng rào thi công. Thời điểm kiểm tra, công trình đang được thi công tấp nập, nhưng vắng mặt đại diện chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu. Mới đây, công trình Usilk City (quận Hà Đông) bị buộc phải dừng thi công do nhà thầu không trình được các giấy tờ, thủ tục theo quy định đối với hai chiếc cẩu tháp đang hoạt động tại đây. Kết quả kiểm tra, khảo sát cho thấy, 70% cẩu tháp đang hoạt động ở các công trường xây dựng trên địa bàn vươn ra đường rất nguy hiểm. Các thiết bị này chỉ được tiếp tục hoạt động sau khi chủ đầu tư, nhà thầu đã chấn chỉnh các vi phạm và bổ sung các biện pháp bảo đảm an toàn.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

6

Công nhân lao động trên cao cần có trang phục bảo hộ lao động, dây an toàn và mũ bảo hộ tiêu chuẩn

Phần lớn nhà thầu không tự giác chấp hành quy định về an toàn thi công. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần thắt chặt công tác quản lý nhà nước, tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát.

Trong những ngày vừa qua, bên cạnh hoạt động kiểm tra, giám sát tại các công trường của liên ngành do Sở Xây dựng chủ trì, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội liên tục có cuộc làm việc với ban quản lý dự án các công trình trọng điểm: đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, hầm chui nút giao Thanh Xuân, hầm chui nút giao Trung Hòa và nút giao cầu Thanh Trì với Quốc lộ 5. Tại các cuộc làm việc này, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Tân yêu cầu các ban quản lý dự án chỉ đạo nhà thầu phải gắn biển tên khu vực đang thi công và số điện thoại của lãnh đạo ban quản lý ở công trường để người dân phản ánh các bất cập. Những cần cẩu, cẩu tháp đang hoạt động ở công trình chỉ được vận hành từ 22 giờ đêm hôm trước cho đến 6 giờ sáng hôm sau và quá trình hoạt động phải có công nhân cảnh giới khu vực chung quanh. Ban ngày, các cẩu này phải quay về nằm gọn trong phạm vi công trường, không được phép vươn tay cẩu ra đường.

Các nhà thầu cũng phải kiểm tra ngay mức độ an toàn của tất cả các đà giáo trên công trường. Tại vị trí thi công các nhà ga trên cao, không được giăng lưới dù mà phải thay bằng các tấm tôn chắn để vật liệu không bị rơi xuống đường. Với những khu vực thi công ngầm, nhà thầu phải có giá chống đỡ hoặc vỉa ba toa sau lớp tôn chắn khu vực thi công để hạn chế nguy hiểm cho người lao động trong trường hợp phương tiện lao vào. Bên cạnh sự giám sát bảo đảm an toàn, các nhà thầu phải tổ chức cho cán bộ, công nhân, kỹ sư học về an toàn lao động; kiểm tra kỹ thiết bị máy móc, cần cẩu, trang thiết bị mũ, quần áo, giày bảo hộ cao cấp... trước khi đưa vào công trường.

Sắp tới, Sở Giao thông Vận tải sẽ thành lập tổ công tác kiểm tra đột xuất các công trường. Những trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. Sở Xây dựng cũng cho biết, đã giao cho các đội thanh tra quận kiểm tra thường xuyên các công trường trên địa bàn nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hiện tượng vi phạm quy định về an toàn trong thi công, nhất là hoạt động của các cần cẩu, cẩu tháp.