Bảo hộ lao động Hà Nội

Tin tức an toàn lao động, bảo hộ lao động

Lien ket la dieu kien tat yeu de nang cao chat luong dao tao trong nganh det may Viet Nam

Ngày 25/9/2015 tại TP. HCM, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cùng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) TP. HCM với sự hỗ trợ của Liên đoàn Giới chủ Na Uy (NHO) đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề thông qua mô hình Ban tư vấn chất lượng”. Đến tham dự có đại diện các doanh nghiệp dệt may và các trường ĐH, CĐ có đào tạo nghề dệt may khu vực TP. HCM.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Ông Võ Tấn Thành - Phó Chủ tịch VCCI/Giám đốc VCCI TP. HCM cho rằng, công tác đào tạo nghề dệt may hiện nay vẫn có nhiều bất cập. Chẳng hạn như: nhận thức của người học chỉ muốn bậc đại học chứ không muốn học nghề; Đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của trường chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (DN) …Ông Thành nhận mạnh rằng, DN cần tích cực hơn trong công tác đào tạo nghề, tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên (SV) thực tập tại đơn vị, chủ động cùng nhà trường tham gia xây dựng chương trình đào tạo, thông tin cho trường về nhu cầu nhân lực của đơn vị. Phía các trường cần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, bổ sung cơ sở vật chất, đổi mới chương trình dạy học, đồng thời các trường cũng phải thông tin nhiều hơn về khả năng đào tạo của trường. VCCI sẽ tham gia tích cực trong việc kết nối và hỗ trợ công tác đào tạo nghề.

Xem thêm:

may đồng phục bảo hộ Thiên Bằng

 

 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Trưởng VPĐD Vitas tại TP. HCM nhận định rằng, việc đào tạo sinh viên và nhu cầu của các DN trong giai đoạn hiện tại vẫn còn những khoảng cách lớn. Đó là: Chương trình giảng dạy vẫn còn nhiều chỗ chưa theo kịp với sự biến động, phát triển của khoa học công nghệ, thị trường, luật pháp và các thực tiễn khác tại DN; Cơ sở vật chất, thiết bị thí nghiệm, có nhiều nơi vừa thiếu vừa lạc hậu; Đa số các DN sau khi nhận SV vào làm việc đều phải đào tạo bổ sung - việc này vừa  gây mất thời gian vừa tốn kém chi phí cho DN... Bà Mai nhấn mạnh, nhà trường, các DN, hiệp hội cần liên kết chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác đào tạo nghề.

Trao đổi tại hội thảo, ông Kurt Nilssen – chuyên gia của tổ chức NHO cho biết, tại Na Uy đào tạo nghề là 1 trong những chủ đề ưu tiên. Mỗi cuộc họp của NHO đều có nội dung bàn về đào tạo nghề. Công tác đào tạo nghề được thực hiện theo mô hình hợp tác chặt chẽ giữa 3 bên: Cơ quan giáo dục Bộ Giáo dục/Học viện giáo dục, NHO và liên đoàn Lao động. Ông Kurt bày tỏ, Việt Nam tham gia vào cộng đồng ASEAN, mà 1 trong những yêu cầu của tổ chức này là tự do dịch chuyển lao động. Cần có cơ chế sao cho người lao động được cấp chứng chỉ ở Việt Nam sẽ được công nhận ở các nước khác trong ASEAN.

Qua trao đổi, thảo luận, các đại biểu đều khẳng định rằng liên kết là điều kiện tất yếu để nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong điều kiện hiện nay nhằm định hướng đào tạo, tìm hiểu nhu cầu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả nguồn nhân lực xã hội.

Một số giải pháp trong thời gian tới, được các đại biểu nêu ra trong hội thảo gồm:

-         Xác định nhu cầu về nguồn nhân lực của ngành dệt may, phân cấp đào tạo giữa các trường ĐH, trường cao đẳng nghề và doanh nghiệp.

-         Đổi mới chương trình đào tạo. Đây là vấn đề then chốt quyết định chất lượng của nhà trường. Xây dựng chương trình đào tạo để có thể rút ngắn thời gian đào tạo, tăng thời gian tự đào tạo; có định hướng phát triển kỹ năng, thái độ chuyên nghiệp, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng mềm … cho SV.

-         Tập trung vào các khâu đang là “nút thắt cổ chai” của ngành dệt may như: thiết kế dệt may, khâu nhuộm, in, hoàn tất và thiết kế thời trang. Tăng cường ứng dụng các công nghệ mới, vật liệu mới, sản phẩm thông minh, thân thiện với môi trường, phù hợp với sức khỏe con người…

-         Xác định chiến lược tuyển sinh và đào tạo nguồn nhân lực dệt, sợi, nhuộm, may ở các bậc khác nhau đáp ứng đủ nhu cầu cho ngành.

-         Nhà trường nghiên cứu các nội dung DN phải đào tạo bổ sung cho người mới nhận vào làm việc để chuyển thành một phần đào tạo ngay tại trường.

-         Các hoạt động hướng nghiệp cần định hướng đúng mức về nghề nghiệp và việc làm, nhằm mục đích tác động thay đổi sự lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ.

-         DN cần phối hợp với các trường và tạo điều kiện tối đa cho SV về thực tập tại đơn vị và quản lý tốt SV trong thời gian thực tập.

-         Tăng cường hình thức đào tạo theo nhu cầu xã hội. DN có đơn đặt hàng, cung cấp học bổng, đầu tư kinh phí đào tạo cho SV ngay trong thời gian đang học tại trường. DN thông tin rõ về các vị trí cần tuyển dụng để trường cung ứng theo đúng yêu cầu.

-         Nhà trường phối hợp với DN để  đổi mới cơ sở vất chất, phòng thí nghiệm, bổ sung trang thiết bị phù hợp với sự phát triển của kỹ thuật, công nghệ ngành dệt may.

-         Doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc sử dụng nguồn nhân lực, vừa tuyển dụng nhân lực do các trường đào tạo, vừa có kế hoạch đào tạo trong DN theo định hướng phát triển của đơn vị và của ngành.

-         Tăng cường giáo dục cho SV phải luôn nỗ lực hoàn thiện và phát triển kỹ năng như: nâng cao năng lực, tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới…khi làm việc tại DN.

 

Qua hội thảo các đại biểu tham dự đều hoanh nghênh việc thành lập Ban tư vấn chất lượng và mong muốn Ban tư vấn sẽ xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động sao cho thực chất và hiệu quả, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, thu hẹp dần khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu của DN, góp phần vào sự phát triển của mỗi DN và cả ngành dệt may.

 

Bài và ảnh: Nguyễn Bình

Nguồn vietnamtextile.org.vn