Bảo hộ lao động Hà Nội

Tin tức an toàn lao động, bảo hộ lao động

Tuyen dung lao dong cua cac doanh nghiep det may hien nay gap kho khan

Lao động thường xuyên biến động, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh là thực trạng chung của các doanh nghiệp ngành dệt may trong tỉnh. Nhất là những năm trở lại đây, các doanh nghiệp này thường phải đối mặt với tình trạng công nhân theo chân nhau thôi việc, bỏ việc, nhảy việc trong khi việc tuyển dụng lại gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian qua nhiều cơ sở sản xuất lớn, nhỏ thuộc lĩnh vực dệt may thường xuyên thông báo tuyển lao động. Doanh nghiệp nhỏ thì có nhu cầu tuyển dụng vài chục, doanh nghiệp lớn tới hàng trăm người, song công tác tuyển dụng gặp không ít khó khăn do khan hiếm lao động. Hơn nữa, do chênh lệch cung - cầu về nguồn nhân lực, nên người lao động phổ thông có nhiều sự lựa chọn công việc.

Ông Trần Văn Khang, Giám đốc Công ty Cổ phần Đông Bình (Gia Bình) chuyên may gia công hàng xuất khẩu cho biết: “Thực hiện kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, Công ty đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng thêm nhà xưởng, mua sắm máy móc sẵn sàng đưa vào hoạt động. Nhưng hơn nửa năm nay, xưởng mới vẫn trong tình trạng “án binh bất động” vì chưa tuyển dụng được công nhân vào làm. Hiện Công ty cần tuyển thêm 400 công nhân mới đủ cho xưởng mới đi vào sản xuất. Công ty đã liên tục đăng thông báo tuyển công nhân từ đầu năm tới nay với cơ chế đãi ngộ tương đối hấp dẫn. Mặc dù vậy, số lao động vào làm cũng rất hạn chế, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của đơn vị”.

Ông Hoàng Minh Thăng, Trưởng phòng Quản trị tổng hợp của Công ty Cổ phần thời trang quốc tế Thuận Thành, cụm công nghiệp Xuân Lâm (Thuận Thành) cũng cho hay: “Trước đây cần tuyển dụng công nhân, Công ty chỉ cần thông báo trên truyền thanh của một số địa phương và căng biển thông báo ngay cổng công ty vài ngày là công nhân đã đứng chật cổng để xin nộp đơn dự tuyển. Nay thì khác, thông báo cả tuần liền mà cũng chỉ có mấy người tới nộp hồ sơ”.

Nguyên nhân của tình trạng này là do thu nhập của công nhân ngành dệt may thấp so với mặt bằng chung, trong khi cường độ làm việc cao và kéo dài. Ở một số doanh nghiệp có thu nhập “cao” so với mặt bằng chung thì vẫn có không ít lao động bỏ việc. Vì các đơn vị này thực hiện khoán sản phẩm, để có thu nhập cao thì phải làm việc cật lực, bám đuổi ca kíp. Nhiều người có gia đình và con nhỏ không có cách lựa chọn nào khác ngoài bỏ việc. Ngoài ra, các doanh nghiệp dệt may “khát” lao động dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh. Một số doanh nghiệp sử dụng các chiêu thức để “câu kéo” lao động lành nghề từ nơi khác như trả công cao, hứa hẹn tăng lương, phụ cấp, bảo đảm giờ làm, hỗ trợ chi phí ăn ở, đi lại cho lao động nếu chấp nhận bỏ việc về đầu quân cho mình...

Theo ông Tạ Đăng Đoan, Phó Giám đốc Sở Công Thương, do thiếu công nhân, tỷ lệ lao động biến động cao là một trong những nguyên nhân chính gây khó khăn cho doanh nghiệp trong ngành dệt may. Nghịch lý trong ngành này là có những thời điểm nhiều doanh nghiệp mong muốn có cơ hội được ký hợp đồng xuất khẩu để mong tìm kiếm công ăn việc làm cho người lao động. Ngược lại, có thời điểm có đơn hàng dài hạn, hợp đồng ổn định nhưng lại thiếu lao động để làm… Trước thực trạng đó, nhiều doanh nghiệp phải cử cán bộ vào tận các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh hay lên các tỉnh miền núi phía Bắc để tuyển bổ sung lao động. Nhiều doanh nghiệp phải thuê cơ sở khác gia công, thậm chí phải từ chối đơn đặt hàng vì không đủ lao động.

Ngành dệt may gia công chiếm nhiều lao động nhưng giá trị gia tăng của ngành thấp. Do đó, nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng để lo cho người lao động một chế độ đãi ngộ tốt. Khi mức lương không đủ chi trả cho cuộc sống người lao động tất nhiên họ sẽ luôn có ý tìm kiếm việc làm với mức lương cao hơn ở nơi khác. Tâm lí không ổn định này góp phần tạo ra sự dịch chuyển lao động giữa các doanh nghiệp, gây nên sự xáo trộn nguồn nhân lực. Mặt khác, công nhân trong ngành dệt may rất đông và tính kỉ luật, ý thức tự giác chưa cao nên năng suất lao động còn hạn chế, điều này ảnh hưởng đến chính thu nhập của bản thân họ và các doanh nghiệp thì đau đầu với bài toán dịch chuyển của lao động ngành may.

Để “chữa trị” căn bệnh mãn tính về thiếu lao động ngành may cần phải có sự phối hợp từ vĩ mô đến vi mô. Vĩ mô là chiến lược đầu tư ngành dệt may phải phù hợp và cân đối giúp doanh nghiệp tự chủ về nguyên liệu, đẩy mạnh khâu thiết kế công nghiệp, gia tăng tỷ lệ hàng FOB có giá trị cao thay vì gia công hiệu quả thấp dẫn đến thu nhập của người lao động không cao. Vi mô là bản thân các doanh nghiệp phải nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng ổn định, đẩy mạnh xuất khẩu hàng có giá trị gia tăng cao và có chính sách chế độ đãi ngộ lao động tốt. Bên cạnh đó, các trung tâm đào tạo, các nơi cung ứng nguồn nhân lực cho ngành may cần giáo dục nâng cao ý thức và tính kỷ luật cho công nhân, để họ thấy được: Làm việc nghiêm túc, năng suất lao động cao, gắn kết với doanh nghiệp là tạo sự ổn định và thu nhập cao cho chính bản thân của người lao động.

Quang Minh – baobacninh.com.vn