Can dung riu moi pha duoc cua cuu nguoi trong vu chay o Linh Dam
Trong vụ cháy xảy ra tại khu đô thị Linh Đàm, cảnh sát PCCC đã phải dùng rìu để phá cửa một số căn hộ để giải cứu người mắc kẹt ở bên trong.
Quan trọng… nhưng chưa coi trọng
Các tòa nhà chung cư cao tầng, nhất là khu tái định trong tình trạng "3 không" (không báo cháy tự động, không có hệ thống chữa cháy tự động, không đảm bảo được cứu hộ khi xảy ra cháy)...là sự báo động nghiêm trọng về mất an toàn trong phòng, chống cháy nổ.
Hỏa hoạn rình rập…
Từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 145 vụ cháy, 2 vụ nổ, làm 8 người chết, 29 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính trên 20 tỷ đồng. Đặc biệt, nguy cơ cháy nổ tại các dự án nhà ở xã hội rất đáng báo động. Ngày 16/9, toà nhà HH 4A, Khu đô thị (KĐT) Linh Đàm đã xảy cháy, cảnh sát PCCC phải dùng rìu để phá cửa một số căn hộ để giải cứu người mắc kẹt bên trong. Sau đó 4 ngày (20-9) lại xảy cháy vì chập điện tại nhà CT5B KĐT Xa La. Hệ thống báo cháy của toà nhà không hoạt động, cư dân phát hiện và tự chữa cháy bằng bình cứu hoả gia đình. Và mới đây (ngày 11/10) lại cháy tại chung cư CT4A KĐT Xa La. Hàng trăm người được phen hoảng hốt. Phải mất hơn 5 giờ, lực lượng chức năng mới di chuyển, đưa hơn 200 hộ dân trên các toà nhà thuộc CT4A xuống mặt đất, trong đó 10 người bị ngạt khói phải đi cấp cứu; gần 300 xe máy bị thiêu rụi, 1 ô tô bị hư hỏng nặng, toàn bộ kết cấu của tầng hầm của toà nhà bị thiệt hại nghiêm trọng.
Sau những vụ cháy liên tiếp xảy ra, các cư dân ở các chung cư cao tầng càng quan ngại khi Cảnh sát PC&CC Hà Nội công bố: Hà Nội hiện có 745 công trình nhà chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC, trong đó 169 công trình nhà cao tầng, 576 công trình có công năng khác. Đáng lưu ý, có 422 công trình chưa được thẩm duyệt về PCCC nhưng đã đưa vào hoạt động.
Giám sát trực tiếp chung cư tái định cư Nam Trung Yên, Mễ Trì 2 (quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm), nhiều tòa nhà không có hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động. Trong khi đó, các máy bơm phục vụ PCCC hỏng từ lâu cũng không được sữa chữa, nên toàn bộ họng nước chữa cháy vách tường không có khả năng chữa cháy. Bên cạnh đó, cầu thang bộ không đảm bảo an toàn cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố… Ông Nguyễn Xuân Diên, thành viên Đoàn giám sát cho biết, kiểm tra thực tế tại một số tòa nhà cho thấy “đụng đâu tắc đó”. Hệ thống phát hiện và báo cháy tự động không hoạt động, hộp lăn vòi chữa cháy chốt hỏng nên không mở ra được, chuông báo cháy (ấn nút) cũng không kêu vì thiếu nguồn điện, trung tâm báo cháy bị lỗi... Khi khởi động hệ thống báo cháy (theo quy định chỉ trong vòng 3 phút phải kích hoạt), nhưng sau gần 5 phút loay hoay, nước chữa cháy mới “từ từ” chảy ra. Các thành viên đoàn giám sát đều lo ngại, nếu xảy ra sự cố, cháy vào ban đêm thì không thể tưởng tượng sẽ như thế nào?
Kiểm tra hệ thống PCCC các tòa nhà chung cư KĐT Xa La,chỉ có tòa CT6-A do mới được đưa vào sử dụng, cơ bản có hệ thống báo cháy tự động, các máy bơm vận hành đảm bảo áp lực. Còn lại, các tòa nhà đưa vào sử dụng cách đây vài năm như CT2- A, CT4, thiết bị PCCC thiếu nhiều, cầu thang thoát hiểm cũng trong tình trạng hở; không có giải pháp ngăn cháy lan; chưa cách ly khu vực kỹ thuật với hầm chứa xe… Đây cũng là một trong những nguyên nhân bước đầu xác định dẫn đến vụ cháy ở tòa nhà CT4 vừa qua.
Nguyên nhân do đâu?
Theo Trung tá Phạm Trung Hiếu, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn kỹ thuật phòng cháy Cảnh sát PC&CC Hà Nội, nguyên nhân cháy ở các tòa nhà chung cư cao tầng đều từ hệ thống cung cấp điện chiếu sáng, các nguồn điện khác và hệ thống thu gom rác… Ở chung cư hiện đại thường thu gom rác theo từng tầng, nhưng đa số chung cư hiện nay tại Hà Nội thu gom theo hố thu rác. Việc bất cẩn của người dân rất dễ gây cháy từ hố thu rác và thực tế đã có vụ cháy tòa nhà do nguồn nhiệt gây ra ở hố thu rác. Ngoài ra, các vụ cháy khác chủ yếu là sự cố liên quan đến điện, do quá tải, đường dây dẫn ở hộp điện kỹ thuật bên trong bị nóng gây ra cháy. Đơn cử, chung cư CT4A KĐT Xa La bị cháy, nguyên nhân xác định ban đầu là do chập hộp kỹ thuật điện. Dù chưa có kết luận chính thức, nhưng ở góc độ cảm quan, sở dĩ có chuyện chập hộp kỹ thuật điện là do chủ đầu tùy tiện thay đổi công năng sử dụng, coi nhẹ công tác PCCC từ khâu thiết kế, lắp đặt.
Hiện nay, TP Hà Nội có 114 công trình nhà cao tầng đã đưa vào hoạt động, nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC đang gây hoang mang cho các cư dân sinh sống tại đây. Làm việc với Ban pháp chế HĐND thành phố về nội dung này, Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cũng phải thừa nhận rằng, công tác quản lý nhà nước về PCCC, xử lý vi phạm đôi lúc còn buông lỏng, thiếu kiểm tra thường xuyên, đặc biệt còn tình trạng nể nang khi xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, một số chính quyền địa phương coi công tác PCCC trên địa bàn của mình là trách nhiệm của cơ quan Cảnh sát PC&CC, nên đã không phát huy được sức mạnh của hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm an toàn PCCC.
Những hạn chế trên có thể lấy ví dụ ở công trình nhà, chung cư cao tầng do doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư. Theo kết quả kiểm tra, rà soát của Cảnh sát PC&CC thành phố Hà Nội, tính đến tháng 3/2015, doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (trụ sở tại Khu đô thị Xa La, quận Hà Đông-Hà Nội) là chủ đầu tư 21 công trình nhà cao tầng. Tuy nhiên, trong số đó, có 2 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo quy định; 10 công trình đã thẩm duyệt thiết kế về PCCC, đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu; 5 công trình đang thi công nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Trước những vi phạm này, Cảnh sát PC&CC thành phố Hà Nội đã xử phạt hành chính và kiến nghị với chủ đều khắc phục thiếu sót, tồn tại về PCCC nhiều lần, nhưng doanh nghiệp vẫn cố tình không tổ chức thực hiện.
Ngoài những nguyên nhân nêu trên, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND thành phố còn chỉ rõ, công tác phối hợp giữa Cảnh sát PC&CC thành phố với Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan trong thẩm duyệt PCCC, cấp phép xây dựng, nghiệm thu PCCC, nghiệm thu công trình hoàn thành đưa vào sử dụng chưa tốt, chưa kịp thời, chưa kiên quyết trong xử lý vi phạm, nhất xử lý tái phạm về các quy định PCCC chưa triệt để.
Đợt giám sát thực tế của Ban Pháp chế HĐND thành phố tại một số chung cư cao tầng trên địa bàn Hà Nội đã soi tỏ nhiều góc khuất của văn hoá sinh sống tại chung cư của người dân cũng như phương pháp quản lý, PCCC tại chung cư trên địa bàn thành phố. Các cấp, các ngành cần coi trọng và sớm chỉ đạo khắc phục để yên lòng các cư dân sinh sống trong các chung cư cao tầng.
Theo antt.vn