Bảo hộ lao động Hà Nội

Tin tức an toàn lao động, bảo hộ lao động

Moi nguy hiem tai cac cong trinh xay dung ma nguoi lao dong phai doi mat

Bình quân mỗi tháng, tại BR-VT có khoảng 23 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), trong đó, không ít vụ xảy ra tại các công trường xây dựng; đặc biệt là các tai nạn do ngã từ trên cao, sập đổ thiết bị gây chết người và thiệt hại về tài sản.

MANG ĐỒ BẢO HỘ “CHỈ TỔ VƯỚNG VÍU”!

 

Theo khảo sát của phóng viên Báo BR-VT, tại các công trình xây dựng dân sinh, nguy cơ mất an toàn lao động rất cao. Ghi nhận vào sáng 10-12 của phóng viên Báo BR-VT ở công trình xây dựng số 54 Trần Hưng Đạo (TP. Vũng Tàu) có khoảng 5 thợ hồ đang trát, tô trên giàn giáo cao khoảng 10m. Nhóm thợ này chủ yếu đầu trần hoặc đội nón lá, chân đi dép tổ ong và không có dây an toàn. Công trình này cũng không có lưới bảo hộ cho công nhân lao động (CNLĐ) thi công trên cao. Trao đổi với PV, một người chịu trách nhiệm ở đây cho biết: “Chúng tôi đã phát đồ bảo hộ rồi nhưng họ không chịu dùng. Lưới bảo hộ trước kia có nhưng vừa mới được tháo ra. Chúng tôi sẽ nhắc nhở thợ nghiêm túc sử dụng bảo hộ lao động”.

 

Tình trạng CNLĐ không sử dụng đồ bảo vệ cá nhân khi làm việc cũng diễn ra tại một số công trình khác như công trình cạnh số 146 Hạ Long, công trình cạnh lô L7 khu Á Châu (TP. Vũng Tàu). Để nhanh gọn, một số thợ tại công trình cạnh lô L7 khu Á Châu di chuyển giữa các tầng (ở độ cao khoảng 15m) bằng cách đu người giữa giàn giáo như diễn xiếc trong tình trạng không có dây bảo hiểm. “Cứ đầu trần, dép tổ ong như thế này cho thoải mái, mang đồ bảo hộ vào làm chi cho nó vướng víu! Với lại, tôi làm thợ hồ mười mấy năm cũng chưa gặp chuyện gì”, một thợ hồ thi công tại công trình này nói thản nhiên.

 

Tình trạng vi phạm các quy định ATVSLĐ hiện nay chủ yếu xảy ra ở các công trình xây dựng dân sinh có chủ thầu xây dựng là cá nhân, hoặc tổ chức có quy mô nhỏ. Ở các DN xây dựng lớn, ATVSLĐ được thực hiện nghiêm túc, bài bản hơn. DN chủ động đầu tư trang thiết bị bảo hộ lao động, hướng dẫn an toàn và bảo đảm ATVSLĐ tại công trường, trong đó chú trọng đến các khu vực nâng, cẩu...

 

Dù vậy, thời gian qua, TNLĐ cũng có xảy ra ở những công trình này, trong đó chủ yếu do ý thức và trình độ nhận thức của CNLĐ chưa cao, họ luôn ngại đeo dây an toàn khi leo giàn giáo, ngại đội mũ bảo hiểm khi làm việc trong công trường.

 

Theo thống kê của Sở LĐTBXH cho thấy, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 280 vụ TNLĐ, trong đó có 4 vụ TNLĐ làm chết 5 người. Đặc biệt có 2 vụ TNLĐ làm chết người liên quan đến lĩnh vực xây dựng.

 

GẤP RÚT KIỂM TRA

 

Thời gian gần đây, nhiều địa phương trên cả nước đã xảy ra TNLĐ nghiêm trọng tại các công trình xây dựng như sập giàn giáo, đứt gãy cẩu, rơi thang vận chuyển... dẫn đến thương vong cho CNLĐ và người dân. Trước thực trạng đó, Bộ LĐTBXH đã có chỉ đạo về việc thắt chặt công tác bảo đảm ATVSLĐ tại các công trường xây dựng, nhất là công trường nằm trong khu vực dân cư.

 

Tại BR-VT, Sở LĐTBXH vừa thành lập đoàn kiểm tra về thực hiện ATVSLĐ tại một số công trình xây dựng và DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Theo ông Nguyễn Phi Hùng, Phó Trưởng Phòng Chính sách lao động việc làm (Sở LĐTBXH), qua kiểm tra cho thấy DN vẫn thờ ơ với công tác ATVSLĐ, nhất là những DN tư nhân, quy mô nhỏ. “Tại một số công trình, NLĐ dù thi công ở vị trí nguy hiểm như làm việc trên cao vẫn không đeo dây an toàn. Lực lượng giám sát, kiểm tra tại các công trình còn mỏng nên chưa bao phủ hết việc kiểm tra an toàn của CNLĐ cũng như việc bảo đảm các biện pháp an toàn tại công trình”, ông Nguyễn Phi Hùng khẳng định.

 

Ông Nguyễn Trung Ngạn, quyền Trưởng Ban Chính sách pháp luật LĐLĐ tỉnh cho biết, hàng năm, LĐLĐ tỉnh đều phối hợp với Sở LĐTBXH và các cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra về việc thực hiện quy định pháp luật lao động tại các công trình xây dựng, DN. Tuy nhiên, việc thanh, kiểm tra chỉ là giải pháp tạm thời. Để bảo đảm tính mạng cho mình và hạn chế nỗi đau, mất mát do TNLĐ gây ra thì CNLĐ phải nâng cao ý thức chấp hành cho bản thân. Đồng thời, phải tăng cường công tác giáo dục, huấn huyện, tập huấn cho cán bộ công đoàn cơ sở và mạng lưới an toàn vệ sinh viên tại các DN trong lĩnh vực xây dựng có nguy cơ xảy ra TNLĐ cao.

 

Theo ông Nguyễn Phi Hùng, để bảo đảm ATVSLĐ có tính bền vững, biện pháp an toàn tại công trường xây dựng phải được DN xây dựng triển khai nghiêm ngặt trước khi tổ chức thi công. Đặc biệt là việc bố trí đội ngũ giám sát tại công trường phải được tăng cường đủ để bao quát, theo dõi và nhắc nhở CNLĐ kịp thời. Công tác đào tạo và huấn luyện cho CNLĐ, nhất là CNLĐ thời vụ, lao động phổ thông phải được thực hiện nghiêm túc. “Việc kiểm tra sức khỏe cho CNLĐ cần được thực hiện thường xuyên vì khi CNLĐ không đủ sức khỏe mà làm việc tại các công trình xây dựng sẽ rất nguy hiểm. Đây là một trong những điểm thờ ơ, ít chú ý của các DN xây dựng dẫn đến nguy cơ mất ATLĐ”, ông Nguyễn Phi Hùng nói.

 

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN, TRẦN TRÀ – Theo baobariavungtau.com.vn