Bảo hộ lao động Hà Nội

Tin tức an toàn lao động, bảo hộ lao động

Hai mat cua dong tien

Thời báo kinh tế Sài gòn Online - Ai cũng biết rằng đồng tiền sử dụng đều có hai mặt, phải và trái, nhưng khi dùng, chúng ta lại chỉ quan tâm đến mệnh giá của đồng tiền thôi. Có khi nào bạn quan tâm đến mặt phải và trái của đồng tiền không? Con người đã làm gì tác động đến hai mặt đó?

4f19c_ktsg_dong_tien_hai_mat_200

Trên thế giới, một số tỉ phú, người nổi tiếng dùng tiền họ kiếm được lập ra các quỹ giúp người nghèo ở các nước đang phát triển thông qua những chương trình mang tính nhân văn như tạo thêm việc làm, xây trường học, viện trợ nhân đạo khi có thiên tai, nghiên cứu phát triển những phương pháp chữa bệnh... và còn nhiều việc khác nữa. Việt Nam cũng có không ít chương trình từ thiện nhưng quy mô nhỏ hơn và chưa vượt qua biên giới lãnh thổ. Tuy cách sử dụng đồng tiền của các tổ chức, cá nhân là khác nhau nhưng việc định hướng cụ thể để mọi người hướng tới và thực hiện những chuẩn mực đạo đức chung là điều cần thiết.

Khuynh hướng mới đang nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng là giá trị đạo đức hay ý thức. Chắc chắn trong thời gian ngắn tới đây, điều này sẽ không còn xa lạ đối với đại bộ phận người tiêu dùng Việt Nam, như hiện nhiều người đã bắt đầu quan tâm đến môi trường làm việc tại các công xưởng dệt may trên thế giới. Có những công xưởng may đang ngày ngày làm ra những sản phẩm danh tiếng, nhưng đó cũng lại là nơi xuất phát nhiều câu chuyện liên quan đến điều kiện làm việc khắc nghiệt, đời sống nghèo đói về vật chất lẫn tinh thần của người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Nhiều người lao động vì mưu sinh cho bản thân và gia đình buộc phải chấp nhận hoàn cảnh và xem như mình còn may mắn hơn những người thất nghiệp ở ngoài kia.

Những chuyện này ít được tiết lộ cho đến khi nó bị phát hiện. Và dưới áp lực của dư luận cũng như của các cơ quan có liên quan, cái gọi là cải thiện cũng chỉ nhằm đối phó tạm thời để rồi sau đó mọi chuyện lại y như cũ!

Như vậy, mặt thứ hai của đồng tiền bao hàm vấn đề đạo đức, ý thức mà người sử dụng đồng tiền cần quan tâm. Khi muốn dùng sản phẩm của một nhãn hàng nào đó, bạn hãy tự trả lời vài câu hỏi trước khi quyết định mua. Chẳng hạn đối với hàng giá rẻ, bạn hãy thử hỏi tại sao chúng lại có giá rẻ như vậy? Liệu trong sản phẩm có chất bẩn độc hại nào gây nguy hiểm cho sức khỏe không? Nhà sản xuất mặt hàng này là ai? Họ có bóc lột hay cưỡng bức quyền lợi người lao động không? Việc trả lời những câu hỏi này sẽ không thừa vì khi bạn sử dụng một sản phẩm mà nhà sản xuất phớt lờ những chuẩn mực đạo đức cũng có nghĩa vô hình trung bạn đã tiếp tay cho họ gây nên những hệ lụy đáng tiếc cho xã hội, trong đó có cả người thân, gia đình, bạn bè của bạn. Khi mỗi người đều tiêu dùng một cách có ý thức sẽ góp phần làm xã hội trở nên tốt đẹp hơn.

Ở góc độ doanh nghiệp, vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam là nếu muốn trở thành đối tác của một nhà sản xuất hay đại diện nhãn hàng nước ngoài nào đó, đặc biệt là từ Mỹ hay châu Âu, trong lĩnh vực dệt may chẳng hạn, đa số họ đều yêu cầu đối tác phải tuân thủ nhiều chính sách liên quan đến trách nhiệm xã hội như SA 8000 (Social Accountability) với rất nhiều khoản mục ràng buộc người sử dụng lao động tôn trọng quyền lợi người lao động như không cưỡng bức lao động, không sử dụng lao động trẻ em... Trong khi đó, đang có không ít doanh nghiệp Việt Nam phớt lờ vấn đề này, nhất là trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, cạnh tranh gay gắt, lợi nhuận ngày càng ít.

Nhưng thiết nghĩ, trách nhiệm đối với quyền lợi người lao động của doanh nghiệp nhất định phải được thực thi và thực thi sớm để loại bỏ những tổn thất cho xã hội vì phải đối mặt với những vấn đề phát sinh do nhà sản xuất chạy theo lợi nhuận mà bỏ quên vấn đề đạo đức. Có như vậy, người tiêu dùng Việt Nam sẽ không còn phải thắc thỏm lo âu và phân vân khi mua sản phẩm nào đó của Việt Nam sản xuất, bởi họ biết rằng việc sử dụng đồng tiền của họ bao hàm cả giá trị đạo đức đúng như hai mặt vốn có của nó.