Bảo hộ lao động Hà Nội

Tin tức an toàn lao động, bảo hộ lao động

Xảy ra nhiều vụ cháy, nổ tại Hà Nội vì nguyên nhân gì

Năm 2015, trên địa bàn cả nước xảy ra hơn 2.501 vụ cháy nổ, làm 75 người chết, 262 người bị thương, thiệt hại ước tính 853,3 tỷ đồng. Hà Nội cũng là địa phương liên tiếp trong thời gian gần đây có số vụ cháy cao, nguyên nhân vì sao? PV báo SK&ĐS đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) Hà Nội nhân Tuần lễ An toàn lao động và Phòng chống cháy nổ năm 2016.

PV: Thời gian qua, những vụ cháy nổ trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn ra phức tạp. Điển hình, ngày 19/3/2016 xảy ra vụ nổ lớn tại số nhà 15 TT9-KĐT Văn Phú - Hà Đông, làm 4 người chết; 10 người bị thương. Xin ông cho biết những nguyên nhân tồn tại mà chúng ta cần quan tâm và các giải pháp khắc phục?

Đại tá Nguyễn Văn Sơn: Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức về công tác PCCC của những người đứng đầu các cơ sở và người dân còn rất chủ quan, lơ là, chưa chấp hành nghiêm túc các quy định về PCCC nên để xảy ra những vụ cháy rất đáng tiếc. Trong đó, nguyên nhân cháy do điện chiếm tỷ lệ cao. Để hạn chế các vụ cháy này, việc trước hết là phải nâng cao ý thức của người dân, phải coi đây là trách nhiệm của mình trong công tác PCCC, lực lượng cảnh sát PCCC không thể làm thay được. Bên cạnh đó, phải làm tốt công tác quản lý nhà nước. Một là, phải xiết chặt những quy định, những thủ tục mà Chính phủ đã quy định. Hai là tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thường xuyên, liên tục. Xử lý kiên quyết các sai phạm, thậm chí xem xét trách nhiệm, xử lý trước pháp luật. Ba là, phải kết hợp nhiều biện pháp tổng hợp, hết sức coi trọng phương châm 4 tại chỗ. Xây dựng lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng dân phòng, có huấn luyện đào tạo, trang bị công cụ phương tiện cần thiết, để khi xảy ra cháy thì lực lượng này có thể ứng cứu ngay được trước khi có lực lượng PCCC chuyên nghiệp có mặt. Khi đó mới có tác dụng răn đe, chấp hành về PCCC.

PV: Để xử lý sự cố cháy, nổ và kỹ năng thoát nạn, ông có khuyến cáo gì để đảm bảo an toàn cho người dân?

Đại tá Nguyễn Văn Sơn: Khi phát hiện có cháy, việc đầu tiên phải báo động cháy bằng cách hô hoán, khẩn trương sử dụng các phương tiện chữa cháy để dập lửa và gọi cho cứu hỏa theo số điện thoại 114. Mỗi gia đình nên trang bị bình chữa cháy tại chỗ và mọi người trong gia đình phải biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị. Khi cháy xảy ra, phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn, đồng thời báo cháy ngay cho mọi người xung quanh để kịp thời ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Nếu ở chung cư, đầu tiên phải bấm chuông báo động cháy, tìm các lối thoát nạn sẵn có theo đèn “EXIT - LỐI RA” hoặc đèn chỉ dẫn mũi tên màu xanh. Hãy sử dụng cầu thang bộ, không dùng thang máy. Trên đường đi, báo cho hàng xóm hay người ở các phòng lân cận biết đang có cháy xảy ra. Nếu phải băng qua lửa, hãy dùng áo, chăn chất liệu cotton nhúng ướt và trùm lên đầu, lên người. Bò hoặc đi khom người khi di chuyển trong phòng có nhiều khói. Nếu phải mở cửa, hãy kiểm tra nhiệt độ trước khi mở. Khi mở nên tránh mặt và người sang một bên đề phòng lửa tạt. Nên cúi sát người xuống sàn khi mở cửa. Nếu nhiệt độ quá cao, tuyệt đối không được mở. Nếu khói lùa, dùng vải, giẻ ướt nhét vào khe cửa. Di chuyển ra ban công chờ lực lượng PCCC đến cứu hộ.

Không nên dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở. Phải lắp thiết bị tự ngắt (Aptomat, cầu chì, rơ le,...) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị điện tiêu thụ điện công suất lớn. Bố trí nơi thờ cúng hợp lý. Nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và đóng van gas. Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Đại tá Nguyễn Văn Sơn.

Năm 2015, Trung tâm 114 Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội đã tiếp nhận và xử lý trên 90.000 thông tin, cuộc gọi báo cháy và yêu cầu cứu hộ, cứu nạn; trực tiếp cứu chữa 142 vụ cháy, xử lý gần 400 sự cố, tham gia cứu hộ cứu nạn 72 vụ, cứu được 57 người, hướng dẫn thoát nạn cho trên 300 người; chi viện hàng chục xe chữa cháy phối hợp với Công an các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên.

Trần Lâm – Báo Sức khỏe đời sống