Bảo hộ lao động Hà Nội

Tin tức an toàn lao động, bảo hộ lao động

Cảnh báo tình trạng lao động tự do hiện nay

Thành phần lao động tự do hiện nay thường là không có hợp đồng lao động cụ thể, và hầu như họ đều không có trang bị đồ bảo hộ lao động như quần áo bảo hộ lao động, giày bảo hộ lao động, mũ bảo hộ lao động,…Họ chấp nhận làm việc tại môi trường lao động không đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn để mưu sinh, miễn sao kiếm được thu nhập để trang trải cuộc sống.

Hiểm nguy rình rập

Tại các công trình xây dựng hiện nay, lao động chủ yếu làm việc theo thời vụ. Hiện rất khó để thống kê chính xác số lượng lao động tự do đang có trên địa bàn. Họ không có hợp đồng lao động, làm việc theo thỏa thuận với chủ công trình. Thực tế, rất ít công trình tư nhân được trang bị giàn giáo bằng khung thép chắc chắn, có nơi chỉ sử dụng gỗ tạp, tre, lót thêm vài tấm ván làm chỗ đi lại. Tại công trình nhà ba tầng ở đường Điện Biên Phủ (Huế), một tốp thợ đứng chông chênh trên các giàn giáo. Người xây, người trát, người tung gạch. Những viên gạch bay vèo vèo qua lại giữa không trung, không ai trong số đó có thiết bị bảo hộ lao động. Anh Nguyễn Văn Tiến, làm nghề thợ xây ở công trình này, cho biết: “Không phải tôi không muốn mua sắm đồ bảo hộ để đảm bảo an toàn. Một ngày tôi được trả công 200.000 đồng, chưa đủ lo cho gia đình nên chỉ cần sắm chiếc mũ cối bảo vệ cái đầu là đủ”.

Nhiều người muốn làm ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo dạng thời vụ để nhận tiền lương hàng tháng mà không bị trừ vào các khoản bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Người sử dụng lao động cũng chỉ quan tâm đến hiệu quả công việc, chưa thực sự quan tâm vấn đề an toàn cho người lao động. Nhiều bài học nhãn tiền đã xảy ra ở các công trình do doanh nghiệp nhận lao động ào ào. Trong khi đó, nhiều người bị bệnh tim hoặc sợ độ cao, khi phải làm việc trên cao sẽ rất nguy hiểm tới tính mạng.

Hầu như lao động ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ không hề sử dụng các loại bảo hộ lao động, doanh nghiệp thường có nguồn vốn hạn hẹp, thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, nhà xưởng, mặt bằng sản xuất chật hẹp, thiếu tiện nghi nên môi trường và điều kiện lao động không được tốt. Nhiều nghề phải sử dụng máy móc thủ công lạc hậu, nặng nhọc và nguy hiểm. Rất nhiều lao động ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị tai nạn lao động, nhẹ thì cụt ngón tay, nặng thì mất nguyên cả bàn tay. Cách đây không lâu, một lao động tự do đang thi công nhà ở tư nhân, do chạm điện nên bị điện giật buộc phải cưa cả hai tay, hai chân. Từ một chàng trai khỏe mạnh, chuẩn bị lấy vợ anh đã phải ngồi xe lăn suốt đời. Buồn hơn, sau khi xảy ra tai nạn, do không có hợp đồng lao động hay tham gia các loại hình bảo hiểm nên gia đình anh phải chạy vạy ngược xuôi để thuốc men cho con.

Không thể chủ quan

Việc đảm bảo các chế độ, chính sách hiện nay cho lao động tự do cũng được xem là vấn đề nan giải, bởi ngay cả trong Bộ luật Lao động hiện cũng chưa có những quy định cụ thể bảo vệ quyền lợi của lao động tự do. Kể cả những người thợ làm những công việc có tính chất nguy hiểm, như thợ hàn, thợ sơn, thợ mộc, thợ sắt… mặc cho thiết bị che chắn không đảm bảo an toàn, thiếu thiết bị bảo hiểm. Nhiều trường hợp ý thức của người lao động quá kém, chỉ lo đến năng suất mà không chú ý đến an toàn lao động, khi nguyên vật liệu, sản phẩm làm ra cứ để bừa bãi… Tai nạn lao động đôi khi từ những chuyện thường ngày, như bị vấp ngã, vật dụng nhọn đâm thủng, va đập, điện giật, quần áo, tóc bị cuốn vào máy…

Có những nghề tưởng chừng rất giản đơn, lao động dễ chủ quan nhưng lại nguy hiểm. Chẳng hạn, nghề hàn cũng dễ xảy ra tai nạn và bệnh nghề nghiệp như điện giật do điện rò ra vỏ máy, lớp cách điện của dây dẫn điện bị hỏng. Họ có thể bỏng bất kỳ lúc nào do hạt kim loại nóng chảy bắn ra mọi phía. Bức xạ từ hồ quang điện làm loé mắt, gây hại võng mạc, giảm thị lực; hơi khí độc và các bụi kim loại có kích thước rất nhỏ, như ô xít sắt, ô xít măng gan, silic. Chưa kể, làm việc trong môi trường không an toàn, cái án bệnh nghề nghiệp cứ treo lơ lửng dẫn đến thương tật hoặc tử vong bất cứ lúc nào. Các yếu tố độc hại xâm nhập vào cơ thể do tiếp xúc qua các đường hô hấp, tiêu hóa, da... Người lao động sẽ có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp, tùy thuộc vào các yếu tố độc hại có trong môi trường lao động.

Qua những đợt kiểm tra của liên ngành, nổi lên vấn đề nhiều người sử dụng lao động quá chú trọng đến năng suất nên chưa sắp xếp thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, cũng như công tác bảo hộ đảm bảo an toàn cho lao động. Để bảo vệ an toàn tính mạng cũng như sức khỏe cho chính mình, thay vì chờ đợi Nhà nước có những chính sách cụ thể thì những người lao động tự do tự nâng cao ý thức, tìm hiểu Bộ luật Lao động làm căn cứ tự bảo vệ mình trước khi nhận lời làm việc cho bất kỳ tổ chức, đơn vị nào.

Nguồn: ThuaThienHue online

>>>> bình chữa cháy, bình cứu hoả