Bảo hộ lao động Hà Nội

Tin tức an toàn lao động, bảo hộ lao động

Co hoi hoi nhap cua det may Viet Nam hien nay

Năm 2016, ngành dệt may Việt Nam (DMVN) được đánh giá là có cơ hội lớn trong việc đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu do hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ký kết, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam-EU, tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)… Bên cạnh lợi thế về mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác mới, để cán mốc tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 31 tỷ USD đã đề ra, đòi hỏi các doanh nghiệp (DN không ngừng đầu tư, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.

Chủ động nắm bắt cơ hội

 

Có mặt tại Công ty cổ phần May mặc Bình Dương ngày đầu năm, chúng tôi chứng kiến hàng nghìn cán bộ, công nhân viên (CBCNV) đang tất bật sản xuất nhằm đáp ứng đơn hàng xuất khẩu sắp tới. Mỗi người một công đoạn, từ cắt gọt, may thêu, đính bọ, thùa khuyết,… cho đến bộ phận là ủi, đều được người lao động thao tác thuần thục, nhanh chóng cho ra sản phẩm hoàn thiện. Không giấu được niềm vui, công nhân Trần Thị Hiền (quê Quảng Bình), có kinh nghiệm làm việc ba năm tại xưởng may áo sơ-mi, tâm sự, chị đã chứng kiến từng bước phát triển của DN. Có thời điểm khó khăn, lãnh đạo công ty phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm kiếm hợp đồng nhằm tạo việc làm cho người lao động. Từ mức lương khởi điểm hơn ba triệu đồng/tháng, đến nay, với sự nỗ lực tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường của lãnh đạo công ty, đã tạo thu nhập ổn định cho tập thể CBCNV. Ngoài khoản tiền lương hơn bảy triệu đồng/tháng, Tết Bính Thân năm nay chị Hiền còn được thưởng hơn 10 triệu đồng tiền Tết để về quê sum họp với người thân, gia đình.

 

"Với những FTA được ký kết, chắc chắn sẽ tạo điều kiện thúc đẩy DN phát triển, qua đó, mặt bằng thu nhập của chúng tôi cũng được cải thiện. Tất cả người lao động đều hào hứng làm việc, đóng góp sức lực nhỏ bé của mình vào sự phát triển chung của DN” - chị Trần Thị Hiền khẳng định. Chị Đoàn Thị Diệm (quê Cà Mau), công nhân làm việc 11 năm tại xưởng may áo sơ-mi, nhấn mạnh, ngoài mức lương, thưởng ổn định, công ty còn thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho người lao động. Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần ngày một nâng cao, đã giúp người lao động chúng tôi yên tâm đẩy mạnh sản xuất, gắn bó lâu dài với DN. Hy vọng rằng, trong năm mới, công ty ký nhiều hợp đồng cùng với sự quyết tâm, trách nhiệm của mỗi người lao động trong công việc sẽ giúp thương hiệu của công ty ngày càng được khẳng định và vươn xa trên trường quốc tế.

 

Trước tín hiệu khả quan của thị trường, Giám đốc Nhân sự - Hành chính, Công ty cổ phần May mặc Bình Dương Nguyễn Hồng Anh khẳng định, với thế mạnh chuyên sản xuất áo sơ-mi và quần Jean, công ty xuất khẩu các sản phẩm sang hai thị trường chính là Hoa Kỳ và châu Âu, đạt hơn 58 triệu USD trong năm 2015. Năm 2016, ngành DMVN tiếp tục có nhiều thuận lợi, nhất là việc Việt Nam đã ký kết và tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, TPP,... sẽ giúp DN mở rộng thị trường xuất khẩu. Do đó, công ty phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 63 triệu USD. Tuy nhiên, muốn hưởng được lợi thế đó, các DN phải tự chủ được nguồn nguyên phụ liệu (NPL) trong nước, tức là tỷ lệ nội địa hóa phải nhiều hơn, trong khi vấn đề này đang là thách thức hàng đầu của các DN dệt may.

 

Hiện tại, ngành DMVN đang nhập khẩu đến 80% NPL, trong đó, có hơn 70% nhập khẩu từ Trung Quốc. Chính vì vậy, phải có chiến lược dài hơi trong việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước, cung cấp đầy đủ NPL, nhất là vải cho các DN dệt may. Liên quan vấn đề này, đại diện Công ty May mặc Bình Dương cho biết, công ty luôn chủ động tìm kiếm nguồn NPL cũng như đẩy mạnh đầu tư, mở rộng sản xuất; nâng cao tay nghề người lao động nhằm gia tăng sức cạnh tranh đối với các đối tác nước ngoài. Ngành DMVN hiện nay đang phát triển và thu hút nhiều DN trong và ngoài nước đầu tư. Thế nhưng, chủ yếu làm gia công cho các đối tác nước ngoài cho nên giá trị thu lại thấp, sức cạnh tranh không cao. Bản thân may Bình Dương đã ký kết, thực hiện nhiều hợp đồng trong năm nay (riêng xưởng may áo sơ-mi chiếm 25% trong xuất khẩu đã ký đơn hàng đến hết năm, các xưởng còn lại có đơn hàng hết quý I-2016, đang hoàn tất ký kết với các đối tác để sản xuất đến hết năm) nhưng công ty luôn xác định phải tìm hướng đi riêng, chú trọng vào các sản phẩm có thế mạnh, đặc biệt, phải phát huy tổng lực trong việc nâng cao quản trị DN, đầu tư có chiều sâu trong việc đào tạo con người, thiết kế sản phẩm,… Có như vậy, DN mới có thể phát triển bền vững và khẳng định vị trí của mình trên thị trường thế giới.

 

Phó Tổng Giám đốc thường trực Tổng công ty Đức Giang (Dugarco) Phạm Thanh Tùng cho biết, với mục tiêu xuất khẩu đạt 250 triệu USD vào năm 2020 (năm 2016, phấn đấu đạt 120 triệu USD), công ty tiếp tục mở rộng đầu tư nhằm đón đầu các cơ hội mới. Trong đó, đầu tư, mua sắm các trang thiết bị, máy móc hiện đại; cải tiến, nâng cấp các thiết bị sẵn có cũng như áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến nhằm nâng cao năng suất lao động; đào tạo quản lý ở các cấp, từ cơ sở đến cấp cao, cấp quản lý DN. Đồng thời, đẩy mạnh tìm kiếm các khách hàng tiềm năng, có giá trị gia tăng cao nhằm nắm bắt những cơ hội mà các FTA mới đem lại trong thời gian tới.

 

Khắc phục điểm yếu

 

Trong những năm qua, xuất khẩu hàng dệt may luôn duy trì đà tăng trưởng vững chắc và ổn định, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 27,5 tỷ USD trong năm 2015, tăng 11,37% so với năm 2014. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, đạt 9,82 tỷ USD. Tiếp đến, thị trường EU đạt 3,316 tỷ USD; Hàn Quốc đạt 3 tỷ USD; Nhật Bản đạt 2,8 tỷ USD,… Theo dự báo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trong thời gian tới, nhiều FTA như TPP, Việt Nam - EU, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu… sẽ mở ra cho ngành DMVN những cơ hội lớn từ việc mở rộng thị trường với nhiều dòng thuế được miễn giảm về 0%. Bên cạnh những cơ hội, DMVN đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các cường quốc xuất khẩu dệt may, như: Trung Quốc, Ấn Độ, Băng-la-đét,... Do đó, các DN phải chủ động đề ra các giải pháp, chiến lược phát triển hợp lý nhằm nắm bắt các cơ hội.

 

Nhìn nhận về cơ hội phát triển của ngành DMVN, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Nguyễn Thị Thanh Huyền (một trong những DN đi đầu trong việc đẩy mạnh đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới) cho biết, trong thời kỳ đổi mới, May 10 đã dành 1.000 tỷ đồng cho đầu tư chiều sâu, mở rộng và đầu tư mới nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tăng năng lực sản xuất và sức cạnh tranh cho DN. Thị trường xuất khẩu không ngừng được mở rộng, đến nay, sản phẩm May 10 đã được xuất khẩu đi khắp thế giới, không còn bị hạn chế về lượng, cạnh tranh bình đẳng trên các thị trường, nhất là ba thị trường đòi hỏi cao về chất lượng, như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản. Với phương thức kinh doanh ngày càng linh hoạt, từ chỗ chỉ làm hàng gia công, hiện tại hàng FOB (mua nguyên liệu, sản xuất, bán thành phẩm) đã chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của công ty. May 10 cũng đang xúc tiến sản xuất theo phương thức ODM (tự thiết kế, sản xuất, bán thành phẩm) và trong tương lai sẽ sản xuất theo hình thức OBM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm gắn thương hiệu May 10). Tuy nhiên, để DMVN phát triển, bắt buộc chúng ta phải có nền công nghiệp phụ trợ, từ đó cung cấp nguồn NPL, tạo giá trị gia tăng cho các DN.

 

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường, một số DN dệt may đã xây dựng lộ trình cũng như phương án sản xuất theo hướng FOB, ODM và chuẩn bị cho việc tham gia TPP thông qua việc từng bước đổi mới công nghệ hiện đại và nâng cao hiệu quả quản trị, nhất là trong các lĩnh vực như dệt, nhuộm, hoàn tất và thiết kế. Trong năm 2015, Vinatex đã đầu tư, triển khai các dự án như Nhà máy sợi Phú Hưng giai đoạn 2, quy mô 2,16 vạn cọc, sản lượng 4.770 tấn/năm; dự án Nhà máy Kiên Giang, quy mô 20 chuyền may, sản lượng 3,6 triệu sản phẩm quần nữ/năm; dự án Nhà máy sản xuất vải Yarndyed Long An, quy mô 10 triệu mét/năm,… Phấn đấu trong năm 2016, nâng tổng năng lực sản xuất vải dệt thoi từ nguồn sợi tại chỗ tăng thêm hơn 100 triệu mét (tăng 40%); vải dệt kim tăng thêm 20 nghìn tấn/năm (tăng gấp đôi); sợi các loại thêm 29 nghìn tấn/ năm (tăng thêm 25% năng lực hiện tại). Qua các dự án đầu tư, từ năm 2017, Vinatex có thể chủ động được hơn 55% vải các loại cung ứng theo chuỗi cho các đơn vị thành viên và cán đích đạt kim ngạch xuất khẩu năm tỷ USD trước năm 2020 như mục tiêu đề ra.

 

Do xuất phát điểm của DMVN thấp, nền công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, trong khi nguồn vải nhập khẩu chiếm hơn 80% tổng nhu cầu (Trong đó từ Trung Quốc chiếm hơn 40%) đã tạo sự bị động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, do thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, khả năng thiết kế thời trang, phát triển sản phẩm còn nhiều hạn chế,… cho nên kim ngạch xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao nhưng giá trị lợi nhuận mang về không nhiều. Do đó, để ngành DMVN thật sự phát triển, các DN cần tập trung nâng cao chất lượng và đẳng cấp sản phẩm. Đồng thời, tăng cường đầu tư vào sản xuất nguyên liệu, in nhuộm, hoàn tất vải nhằm từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; chuyển dịch phương thức sản xuất từ gia công sang FOB, ODM, thậm chí là cả OBM; từng bước hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng dệt may,… để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.