Bảo hộ lao động Hà Nội

Tin tức an toàn lao động, bảo hộ lao động

Cuộc sống mong manh của những phận đời sau tai nạn lao động

Chấn thương thận, chấn thương ngực kín, gãy xương sườn phải... là hậu quả mà chị Trần Thị Mười Ba (45 tuổi, quê Trà Vinh) nạn nhân may mắn sống sót trong vụ sập công trình thuộc dự án Mapletree Business Centre trên đường Nguyễn Văn Linh, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM phải gánh chịu.

Nạn nhân may mắn thoát chết

Sau hơn 1 tháng xảy ra vụ tai nạn nói trên, chúng tôi gặp lại chị Trần Thị Mười Ba, nạn nhân may mắn sống sót trong vụ sập công trình. Hiện tại sức khỏe của chị đã dần ổn định và đang đợi vết thương lành hẳn để trong thời gian gần nhất chị có thể đi làm lại kiếm sống.

Gặp lại chị Ba trong một buổi trưa Sài Gòn nóng bức, khi chị vừa đi tái khám ở Bệnh viện Nhân dân 115 về. Đây là lần tái khám thứ 2 từ sau khi vụ tai nạn thương tâm. Chị Ba kể rằng cho đến bây giờ, chưa khi nào chị quên được phút giây sinh tử sau vụ tai nạn sập công trình. Hơn 1 tháng trước, 3 đồng nghiệp của chị Ba đã tử nạn, chị là người may mắn sống sót. Qua nhiều lần phẫu thuật, điều trị, hiện tại chị đã đi lại được, tuy nhiên vẫn còn khó khăn. Chúng tôi cảm nhận trong ánh mắt chị niềm khát khao được sống bình thường.
Chị Ba sinh năm 1970 tại Trà Vinh, năm 36 tuổi vì hoàn cảnh gia đình khó khăn chị quyết định khăn gói lên Sài Gòn tìm việc làm. Chị xin vào làm công việc thợ phụ ở công trình do Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình làm chủ thầu thi công. Làm được khoảng 3 năm thì chị về quê nhưng sau đó thấy ở quê không làm gì ra tiền trong khi còn phải gánh nặng nuôi mẹ già và 2 đứa con nên chị lại lên Sài Gòn đi làm cùng chồng. Nén tiếng thở dài, chị Ba cho biết: “Mỗi ngày đi làm tiền công chỉ từ 150.000 - 160.000 đồng nên chị thường tăng ca để kiếm thêm thu nhập. Làm vậy mới có dư chút đỉnh để gửi về quê cho gia đình, mình chịu cực không sao, chứ không để con cái phải chịu khổ được”.
Theo lời chị Ba, vào ngày xảy ra tai nạn chị đang vác 2 thanh sắt để làm công trình. Đang đi thì chị nghe tiếng giàn giáo đổ sập từ đằng xa, linh tính mách bảo rằng có chuyện không hay, chưa kịp chạy ra khỏi khu vực giàn giáo thì thì chị đã bị đống sắt thép đổ sập đè lên người khi trên tay vẫn còn cầm 2 thanh sắt.
Chị Trần Thị Mười Ba nạn nhân may mắn sống sót trong vụ sập công trình lo lắng về cuộc sống trong thời gian sức khỏe chưa bình phục để đi làm
Trong thời gian trị bệnh tại Bệnh viện Nhân dân 115, chị Ba cho biết công ty có cử người đến thăm hỏi và thanh toán tiền thuốc men và chi phí đi lại khám chữa bệnh. Tính đến thời điểm hiện tại công ty đã chi trả cho chị số tiền 11 triệu đồng. Nói về sức khỏe của mình, chị Ba cho biết bác sĩ điều trị cho chị bảo rằng hiện giờ sức khỏe của chị đã không còn nguy hiểm, uống hết thuốc đợt lần này thì ngưng không uống nữa, nếu thấy có biến chứng thì đi khám lại. Tuy nhiên việc đi lại của chị còn khó khăn do còn đau bên xương sườn. Ăn uống cũng không được nhiều, mỗi bữa ăn không quá một chén cơm. Mặc dù vết thương còn chưa lành hẳn nhưng chị Ba hy vọng một tháng nữa sẽ bớt đau để chị có thể đi làm lại. Điều chị lo lắng là thời gian tới chị phải nghỉ làm để dưỡng bệnh không biết công ty có hỗ trợ tiền thất nghiệp hay không để chị có tiền lo cho cuộc sống gia đình. Khi nói những điều này trong mắt chị ánh lên một nỗi buồn xa xăm… Mỗi năm xảy ra 100 vụ tai nạn lao động
Có cha là nạn nhân bị tử vong trong vụ vụ sập giàn giáo tại công trình xây dựng dự án Mapletree Business Centre trên đường Nguyễn Văn Linh, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM ngày 10.7, anh Đặng Thành Kha cho biết: “Sau khi ba bị tai nạn, hai anh em tôi phải nghỉ làm để đưa ba về quê mai táng. Sự cố tai nạn xảy ra đến giờ chúng tôi và gia đình vẫn chưa thể tin vào sự thật những gì đã xảy ra và chưa biết làm sao để ổn định cuộc sống”.
rên địa bàn TP.HCM liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn lao động khiến nhiều người thương vong, đằng sau đó là những nỗi đau mất mát của những nạn nhân trong những vụ tai nạn lao động. Gần đây nhất ngày 28.7, vụ tai nạn lao động tại công trình xây dựng nhà ở xã hội HQC Plaza trên đường Nguyễn Văn Linh, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM làm 1 người chết, 1 người bị thương. Theo số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng, hiện nay mỗi năm trên địa bàn TP.HCM xảy ra khoảng 100 vụ tai nạn lao động, trong đó số vụ tai nạn lao động xảy ra ở các công trình xây dựng chiếm tỷ lệ hơn 50%. Nguyên nhân chính là chủ đầu tư, nhà thầu thi công và cả công nhân lao động ở nhiều nơi thường xuyên vi phạm các quy định về an toàn lao động. Nhiều vị trí không được hỗ trợ quần áo bảo hộ, mũ bảo hộ lao động. Trong khi việc kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan có thẩm quyền chưa thường xuyên, kiên quyết... Để kéo giảm tối đa những thiệt hai về người và của từ những vụ tai nạn lao động, thiết nghỉ các cơ quan chức năng nên vào cuộc kiểm tra, rà soát xử phạt những công trình vi phạm an toàn lao động càng sớm càng tốt.