Cách Phòng Chống Những Rủi Ro Từ Hóa Chất nguy hiểm PCB
Được sản xuất từ những năm 30, Polyclo Biphenil (PCB) là một loại hóa chất tổng hợp được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp với nhiều ứng dụng khác nhau. Tuy nhiên ngày nay, khoa học đã chứng minh tác hại của PCB lên sức khỏe con người và môi trường. Chính phủ Việt Nam đã cam kết dừng sử dụng PCB vào năm 2020 và tiêu hủy an toàn vào 2028.
PCB: Công lớn, tội cũng lớn
Được “tôn vinh” như một loại phụ gia lý tưởng trong công nghiệp vì đặc tính cách nhiệt và cách điện tốt, trong những năm 30, PCB được ứng dụng rộng rãi cho rất nhiều thiết bị và vật liệu. Để tăng tuổi thọ máy biến áp, tụ điện và máy cắt, PCB được đưa vào thành phần của dầu cách điện, cách nhiệt; Trong các ngành công nghiệp, PCB được sử dụng làm phụ gia của dầu bôi trơn, dầu thủy lực, chất chống cháy, chất làm dẻo, chất chống thấm và các ứng dụng khác. Có thể nói, PCB là niềm tự hào của ngành công nghiệp toàn cầu cho đến khi bị phát hiện là nguyên nhân gây ra nhiều thảm họa môi trường tại Nhật, Mỹ, và nhiều nước trên thế giới. Trong đó, những nạn nhân phơi nhiễm PCB bị ung thư, ảnh hưởng thần kinh, dị tật thai nhi hoặc gặp phải các vấn đề sinh sản khác… Sau 40 năm sử dụng, PCB đã bị cấm sản xuất, tiến đến kiểm soát chặt chẽ và tiêu hủy.
Khi tiếp xúc với các thiết bị, vật liệu có khả năng nhiễm PCB, người lao động cần sử dụng các phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp: quần áo phòng sạch quy chuẩn cùng với găng tay chống hóa chất cao cấp và giày bảo hộ nhập khẩu cao cổ.
Độ độc tương đương của một số đồng phẳng của PCB chỉ kém 10 lần loại dioxin có tính độc cao nhất. Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu Ung Thư (IARC) đã xếp PCB vào nhóm 2A, là nhóm hóa chất độc hại có khả năng gây ung thư và hiện nay cơ quan này đang xem xét chuyển PCB lên nhóm 1 - nhóm các chất gây ung thư.
Nguy cơ phơi nhiễm PCB
Trong quá trình sử dụng, vận chuyển và tiêu hủy không đúng quy định hoặc phát sinh sự cố ngoài ý muốn, PCB có thể rò rỉ vào môi trường, hấp phụ vào đất và trầm tích, tồn tại hàng tháng đến hàng năm. Thông qua chu trình tuần hoàn không khí, nước và theo chuỗi thức ăn, PCB có thể di chuyển rất xa nơi phát thải. PCB đã được tìm thấy trong mô mỡ của động vật, đặc biệt là động vật có vú, cá lớn và cả con người sống ở Bắc cực, nơi không có các hoạt động công nghiệp.
Con đường xâm nhập chính của PCB vào cơ thể con người là qua ăn uống thực phẩm có PCB, hô hấp, tiếp xúc qua da hoặc truyền từ mẹ sang con.Trong công nghiệp, người lao động tại các cơ sở có sử dụng thiết bị, vật liệu có PCB sẽ có nguy cơ phơi nhiễm PCB cao khi không sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp trong quá trình làm việc. Trong cộng đồng, con đường phơi nhiễm PCB chủ yếu của con người là qua ăn uống các loại thực phẩm bị nhiễm PCB, đặc biệt là thịt, cá, gia cầm, trứng và sản phẩm từ sữa. Nhiễm độc PCB có thể ảnh hưởng đến chức năng hệ thần kinh, hệ sinh sản, hệ tiêu hoá, hệ miễn dịch, phát sinh các khối u, ung thư, các bệnh ngoài da. PCB có thể được tích tụ trong cơ thể con người trong một thời gian dài và chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Để phòng tránh phơi nhiễm PCB, người dân không nên ăn cá, trứng, thịt không rõ nguồn gốc
Trong các thủy vực, loài sống đáy là loài tiêu hóa và tích tụ PCB từ trầm tích trước tiên. Sau đó PCB tiếp tục tích tụ với nồng độ cao hơn trong các sinh vật bậc cao hơn của chuỗi thức ăn. Theo một nghiên cứu của Mỹ thực hiện từ 1986 đến 1989, nồng độ PCB trung bình trong các loài sống đáy khoảng 1,9 phần triệu đơn vị (ppm), tuy nhiên, trong các loài cá sông nồng độ PCB ở mức 20 ppm (cao gấp 10 lần). Tại Michigan (Mỹ), người không ăn cá có nồng độ PCB khoảng 7 phần tỉ đơn vị (µg/kg) trong cơ thể trong khi người ăn cá thường xuyên (khoảng 3kg/tháng) có mức 366 µg/kg PCB (gấp trên 50 lần). Những đối tượng dễ bị phơi nhiễm PCB nhất qua đường tiêu hóa là các hộ gia đình sử dụng các không rõ nguồn gốc; các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm có tiếp xúc với dầu công nghiệp; người dân sống xung quanh khu tập kết, xử lý chất thải nguy hại có PCB. Những đối tượng này cần đặc biệt lưu ý để phòng chống lây nhiễm PCB.
Biện pháp phòng chống phơi nhiễm PCB
Theo bà Lê Thị Ngọc Quỳnh, Phó trưởng Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, khi chưa biết nguồn gốc và thành phần PCB trong các thiết bị, vật liệu và chất thải, người lao động cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa phơi nhiễm PCB như với các đối tượng có PCB, đó là khi tiếp xúc với dầu trong thời gian dài và ở diện rộng, cần sử dụng quần áo bảo hộ lao động, mặt nạ, mũ, găng tay, ủng... khi tiếp xúc với các chất thải nguy hại. Trong quá trình lấy mẫu, bảo dưỡng, tháo dỡ thiết bị, vật liệu người lao động cần chú ý không được để dầu tiếp xúc với da, mắt, miệng và băng bó các vết thương hở nếu có.
Trong cộng đồng, để phòng tránh phơi nhiễm PCB, người dân cần hạn chế ăn cá, trứng, sữa, gia cầm, thịt mỡ không rõ nguồn gốc; Thận trọng khi tiếp xúc các loại vật liệu cũ như: Chấn lưu điện tử, bóng đèn huỳnh quang, giấy than không cácbon, sơn chống cháy, giấy hắc ín; Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với bùn, đất, trầm tích và nước xung quanh khu vực chôn lấp và xử lý chất thải nguy hại, khu công nghiệp, và hạ nguồn sông, tránh sinh sống gần các khu vực đốt chất thải.
Việc phát hiện và điều trị phơi nhiễm PCB rất tốn kém. Do đó, mỗi cá nhân cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tiếp xúc với các thiết bị, vật liệu có khả năng nhiễm PCB, nhằm bảo vệ sức khỏe của chính mình.