Tâm sự của một trong số hàng trăm lao động VN bị bắt giữ tại một xưởng may phi pháp ở Nga sẽ cho chúng ta biết hiện thực đằng sau xưởng may vừa bị triệt phá này. Cùng theo dõi nhé.
Đã 8 tháng kể từ ngày lên máy bay trở về nước, bỏ lại sau lưng tất cả những mơ ước, khát khao về một cuộc sống ở miền đất mới, nhưng Trương Quốc M - trú tại phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, Hải Phòng - vẫn chưa hết thẫn thờ, hoang hoải khi nhớ lại chuỗi ngày sống “chui” ở nước Nga xa xôi, lạnh giá.
M kể lý do sang Nga của mình vào một ngày tháng 10.2010 rất... trời ơi! Cậu bị thua nợ mấy trăm triệu do cá độ bóng đá, bố mẹ không lo nổi, nên bàn cách cho cậu sang Nga lao động với một người quen để trốn nợ.
Đặt chân xuống phi trường Mátxcơva, M gặp ngay người quen nhưng lập tức đón nhận tin không vui.
Trước khi sang Nga, anh người quen (là con của bạn bố M) hứa sẽ cho cậu ra bán quần áo ở chợ. Nhưng khi gặp mặt, anh này nói rằng, vì chợ buôn bán rất “đuội” (từ chỉ sự buôn bán trì trệ), nên tạm thời M sẽ phải làm ở xưởng may quần áo bảo hộ một thời gian.
Vậy là cậu bắt đầu bước chân vào cuộc sống của “địa ngục trần gian” cùng hàng trăm người khác.
Xe chở M đến một khu nhà máy cũ bỏ hoang ở ngoại ô, cách Mátxcơva khoảng 100km. Tại đây, khu nhà xưởng có mặt bằng khoảng trên 2.000m2 với dãy nhà 2 tầng.
Tầng 1 khóa cửa bỏ không, còn tầng 2 là nơi làm việc, sinh hoạt của hơn 400 lao động thuộc hơn 20 xưởng sản xuất nhỏ do các ông chủ quản lý. Mọi công nhân (CN) không được phép ra khỏi xưởng. Các vật dụng, sinh hoạt đều được chủ cung cấp.
Vì vậy, nhìn bề ngoài, khu nhà trông vẫn như một khu nhà hoang; nhưng ở bên trong, đây là xưởng “đen” điển hình (xưởng hoạt động “chui”).
Ở xưởng “đen”, CN phải làm ít nhất 12 giờ/ngày trở lên, vào đợt tăng ca, làm 15-18 giờ là bình thường. Khi tan ca, hầu hết đều đã mệt nhoài, rã rời. Hết ca 1, ca 2 nối tiếp nên các máy may hoạt động 24/24 giờ. Các công nhân ăn uống ngay trên bàn cắt may.
Thức ăn chủ yếu là thịt đông lạnh với bắp cải đá (vì cứng hơn bắp cải ở mình), khoai tây và càrốt. Mỗi ngày, chủ lo hai bữa ăn. Muốn ăn thêm, lao động phải tự bỏ tiền mua mì, bún, miến gói với giá cao.
Cả khu có 2 phòng tắm tập thể, một dành cho nam, một cho nữ, nhưng diện tích nhỏ, nên mọi người tranh nhau, nhiều khi phải chờ đợi rất lâu mới đến lượt.
Sau giờ làm, các LĐ chui về các “phòng”, được lắp từ những tấm ván mỏng. Mỗi "phòng" có 2 người ở, giường hai tầng rất chật chội.
Cuộc sống tù túng, quanh quẩn, không phân biệt ngày hay đêm: Đến giờ thì làm, đến giờ thì ăn, ngủ. Có người cả năm không nhìn thấy mặt trời.
Thế nhưng, M cho biết, những CN này còn hạnh phúc hơn nhiều người bị chủ giấu trong những xưởng dưới các tầng hầm, đến không khí để thở cũng còn thiếu!
Trốn và chạy trốn
Khi về xưởng, M được người quen cho làm phụ may. Nhưng công việc chính là trông coi, không cho những LĐ trong xưởng trốn ra ngoài.
Ở một thời gian, M mới hiểu, do cuộc sống quá tù túng, khổ cực, nên nhiều người muốn trốn. Thường thì CN không trốn được vì có người canh gác. Mặc dù làm quần quật suốt ngày, nhưng thu nhập lại rất thấp.
Khi LĐ chưa sang, được chủ hứa hẹn thu nhập khoảng 1.000USD/tháng. Nhưng thực tế, sau khi trừ tiền ăn ở, sinh hoạt, số tiền thực lĩnh chỉ khoảng vài ba trăm đô. Đó là chưa kể đến việc có chủ xưởng vài tháng không trả lương mà CN chẳng làm gì được.
LĐ “chui” luôn ở thế yếu, chẳng có ai bảo vệ, luôn bị thua thiệt và bắt nạt.
Nhưng đó vẫn chưa phải là “địa ngục”. M nhớ lại: Làm được khoảng được 3 tháng, một bữa, khi anh em đang ăn cơm thì công an sở tại ập đến. Hơn 400 con người bị lùa vào một xưởng may khác, bị dồn vào một chỗ như tội phạm, tình cảnh rất khốn khổ.
M và mấy thanh niên đã thả một cuộn vải xuống, rồi trượt xuống đất từ độ cao 20m. Cú trượt làm M bị trẹo chân, thâm tím mình mẩy, nửa tháng sau mới khỏi.
Nhiều người khác do bám tay vào dây vải rồi trượt xuống, khiến bàn tay bị tróc da, tứa máu. Có người đau tay quá không chịu được, buông tay nhảy xuống trước nên bị gãy chân, tay.
Thế nhưng, dù đau đến mấy, xuống đến đất rồi, anh em phải dìu nhau chạy để trốn cảnh sát. Sau này, khi tất cả đổi chỗ làm đến 6 lần, M còn nhiều lần phải chạy trốn công an.
Có lần, khi nghe tin công an sắp “đập” xưởng, chủ xưởng đã đưa mọi người vào sâu trong rừng, lẩn trốn trong những ngôi nhà hoang. Những lần trốn kéo dài từ vài ngày đến hàng tuần.
Thời tiết mùa đông ở Nga cực kỳ khắc nghiệt, nhưng những người lẩn trốn còn khốn khổ hơn khi không nước tắm rửa, không có chăn ấm, không được phát bánh mì và xúcxích, tự chống chọi cho đến ngày yên thì về.
“Cho đến giờ, khi đã nằm ngủ tại nhà mình ở Việt Nam, nhưng nhiều đêm tôi vẫn giật mình đánh thót vì nằm mơ thấy phải vùng dậy trốn công an” - M nói.