Ong chu xuong may va nhung goc khua cuoc doi
Bước chân nhanh nhẹn, nụ cười tươi, ông Lê Thế Thà niềm nở tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang bên cạnh xưởng may đang hoạt động tấp nập tại thôn Hữu Ái, xã Giang Sơn (huyện Gia Bình). Người đàn ông từng mang tiếng “ăn cơm tù” ngày ấy giờ đây hoàn toàn mở lòng khi nói về những góc khuất trong cuộc đời và chặng đường trở thành một công dân có ích.
Trở về quê hương năm 1988 sau những tháng ngày quân ngũ, ông Thà đối mặt với cuộc sống khó khăn cùng vợ và con thơ, tài sản gia đình chẳng có gì ngoài mấy sào ruộng. Ông theo bạn bè làm ăn khắp nơi, chủ yếu là nghề bốc vác, vận chuyển hàng hóa. Rồi một ngày đầu năm 1996, ở vùng biên Thanh Hóa, một người chủ hàng thuê ông gánh chuyến hàng nhẹ nhàng mà được trả công cao. Ông hồ hởi nhận lời để rồi khi lực lượng Công an ập đến bắt giữ, người chủ biến mất, ông mới bàng hoàng biết mình vận chuyển trái phép chất ma túy. Tòa tuyên án 60 tháng tù giam. Lát cắt bất ngờ của cuộc đời khiến ông nhiều khi chán nản, muốn buông xuôi tất cả… Khoác trên mình bộ quần áo sọc dọc, ông ngày đêm tự vấn lỗi lầm và lo lắng cho gia đình về những điều tiếng mà họ phải chịu vì bản thân mình.
Ông còn nhớ như in, ngày 30-4-2000, sau quãng thời gian cải tạo tốt, ông được giảm án sớm nửa năm. Ngày rời trại, nhìn thấy cuộc sống ngoài đời sôi động, một ý nghĩ sôi sục trong ông, đó là phải làm lại cuộc đời. Ông bàn với gia đình chuyển vào Sài Gòn - nơi mà không ai biết tới quá khứ lầm lỗi để mưu sinh. Chăm chỉ làm lụng với đủ mọi nghề lao động chân chính, rồi được người quen giới thiệu, vợ chồng ông mở một xưởng may nhỏ. Chỉ với hơn 10 máy may ban đầu, nhờ tháo vát, chắt chiu và duyên buôn bán, gia đình có được một khoản dành dụm kha khá. Các con ông cũng tự mở được xưởng may của riêng mình…
Sau 7 năm lăn lộn với cuộc sống mưu sinh nơi đất khách quê người, năm 2007 ông quyết định trở về quê hương mở xưởng. Lúc bấy giờ, cái tiếng “ăn cơm tù” đã vơi đi ít nhiều, có người biết, người không. Điều làm ông ấm lòng hơn cả là chính quyền và các hội đoàn thể thôn xóm đã tạo điều kiện về mặt tinh thần giúp ông yên tâm làm kinh tế.
Ông mở xưởng may tại nhà với hơn 40 máy may. Nhờ kinh nghiệm có sẵn, các mẫu thiết kế của gia đình được ông đem đi chào hàng ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương… đều có sức tiêu thụ tốt, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân trong làng. Hiện nay, ông có 3 xưởng may liên kết, tạo việc làm cho 30 lao động thường xuyên với mức lương trung bình 4 triệu đồng/người/tháng.
Chị Nguyễn Thị Quê, một người dân thôn Hữu Ái cho hay: “Tôi làm ở xưởng của chú Thà được 4 năm nay, được chú chỉ dạy kỹ thuật may, tay nghề ngày càng được nâng cao. Hiện giờ thu nhập hàng tháng của tôi được 5 triệu đồng, cũng đủ để trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học”.
Qua những thăng trầm của cuộc đời, ông Thà đã vượt qua mặc cảm và cống hiến cho xã hội. Bằng việc tham gia CLB Phòng chống tội phạm của thôn, ông lấy nỗi lòng của bản thân mình để động viên, chia sẻ và giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ; đồng thời tích cực vận động người dân không vi phạm pháp luật như trộm cắp tài sản, bán hàng trái phép, đốt pháo... Nhờ vậy, 100% gia đình các thành viên trong CLB không có người vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội. CLB và bản thân ông Thà nhiều năm liền được các cấp, ngành, đoàn thể biểu dương, khen thưởng.
Ông Nguyễn Xuân Thân, Trưởng thôn Hữu Ái, xã Giang Sơn cho biết: “Đóng góp của ông Thà cho địa phương là rất lớn, nhất là đối với những người từng vi phạm pháp luật thì ông chính là tấm gương, là động lực để họ có thêm quyết tâm hoàn lương, làm lại cuộc đời”.
Giờ đây, ông Thà đang hàng ngày đón nhận niềm hạnh phúc bình dị của mình khi trở thành người có ích cho xã hội. Điều ông mong ước hơn cả là những người lầm lỗi như ông sẽ ngày càng nhận được nhiều sự chia sẻ, lòng vị tha của gia đình và xã hội để tiếp thêm sức mạnh, giúp họ vượt qua quá khứ, làm lại cuộc đời…
Huyền Thương-Việt Anh – baobacninh.com.vn