Giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hệ thống luật về an toàn vệ sinh lao động
Những bất cấp của hệ thống pháp luật về an toàn vệ sinh lao động
Sau gần 20 năm thi hành, các quy định về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại Bộ luật Lao động cơ bản đã đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể thiết lập quan hệ lao động, góp phần bảo vệ an toàn, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp cũng như kỹ thuật công nghệ mới, thì những yêu cầu về phúc lợi và đảm bảo ATVSLĐ đã bộc lộ rõ những hạn chế, bất cập đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới trong công tác này, cụ thể:
Thứ nhất, nội dung ATVSLĐ được quy định trong Bộ luật Lao động, đồng thời cũng được quy định phân tán tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật, Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Khoáng sản, Luật Hóa chất, Luật Xây dựng,…ít nhiều gây khó khăn cho việc tổ chức thực hiện.
Thứ hai, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật ATVSLĐ cần được rà soát ban hành mới để kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, phù hợp với công nghệ và vật liệu mới.
Thứ ba, theo quy định tại Bộ luật Lao động 2012, tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan đến lao động, sản xuất đều phải tuân theo quy định của pháp luật ATVSLĐ. Điều đó có nghĩa là ở đâu có việc làm thì ở đó người lao động đều cần được bảo đảm về ATVSLĐ, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội. Vì vậy, đối tượng điều chỉnh của công tác ATVSLĐ không chỉ áp dụng với khu vực có quan hệ lao động mà cả những người không có quan hệ lao động.
Thứ tư, chính sách của Nhà nước hiện nay chưa thu hút và huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội đầu tư cho công tác ATVSLĐ, phát triển các dịch vụ trong lĩnh vực này.
Thứ năm, chính sách bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) mới quy định việc giải quyết hậu quả thông qua chi trả chế độ cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chia sẻ rủi ro với người sử dụng lao động khi xảy ra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. Trong khi công tác phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được đặt lên hàng đầu đang là xu thế chung, là chuẩn mực quốc tế cũng như yêu cầu nội luật hóa các quy định được đưa ra trong các Công ước của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) đã được Việt Nam phê chuẩn, gia nhập.
Bên cạnh qúa tình thực hiện pháp luật về ATVSLĐ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:
Việc tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ của nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa nghiêm, đặc biệt trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều doanh nghiệp thực hiện các quy định chỉ để đối phó sự kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước. Nhiều cơ sở sản xuất có môi trường lao động ô nhiễm nặng gây bệnh tật, suy giảm sức khỏe cho người lao động và gây tác hại đến môi trường chung của cộng đồng.
Công tác huấn luyện ATVSLĐ cho người sử dụng lao động đạt tỷ lệ thấp, nhiều người lao động chưa được huấn luyện.
TNLĐ, BNN bước đầu đã được kiểm soát, tuy nhiên vẫn xảy ra các vụ nghiêm trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực có nguy cơ cao về mất ATVSLĐ (khai khoáng, xây dựng, bảo vệ điện…).
Tính đến cuối năm 2013, Việt Nam có 27.878 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp trong tổng số 28 bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Tỷ lệ người lao động có sức khỏe yếu (loại IV, loại V) chiếm 10% tổng số người được khám sức khỏe định kỳ. Trong tổng số hơn 600 nghìn lao động trong các cơ sở được theo dõi về tình hình nghỉ ốm, có trên 100 nghìn lượt người nghỉ ốm với hơn 300 nghìn ngày công lao động.
Việc đo, kiểm tra định kỳ các yếu tố có hại trong môi trường lao động, việc tổ chức quản lý sức khỏe người lao động tại các cơ sở lao động còn rất hạn chế; số nơi làm việc, số người lao động thuộc diện quản lý chiếm tỷ lệ rất thấp (chỉ khoảng 10%).
Tỷ lệ doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra hàng năm thấp, cả nước có hơn 450 thanh tra viên nhưng phải đảm nhiệm thanh tra nhiều lĩnh vực của ngành, như: chính sách lao động, các vấn đề xã hội, trẻ em, người có công, ATVSLĐ,... Trong đó, số thanh tra viên có tham gia làm nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ chỉ có khoảng hơn 150 người, nên trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 0,22% số doanh nghiệp đang hoạt động đươc thanh tra pháp luật lao động nói chung và ATVSLĐ nói riêng. Các vụ tai nạn lao động chết người hầu như không đảm bảo thời hạn điều tra theo quy định, số vụ có đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ chiếm khoảng 2%, đồng thời việc xử phạt các hành vi vi phạm về ATVSLĐ còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe nên không có tác dụng giáo dục, phòng ngừa việc tái diễn.
Trong các công trường xây dựng, công nhân cần phải được trang bị đầy đủ trang thiết bị yêu cầu như: mũ bảo hộ lao động, dây an toàn toàn thân và quần áo bảo hộ ...
Một số giải pháp
Trước thực tế nêu trên, để tăng cường công tác ATVSLĐ, phòng ngừa TNLĐ, BNN, bảo đảm sức khỏe của người lao động, góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước phải cấp thiếti hoàn thiện hệ thống pháp luật về ATVSLĐ và đẩy mạnh các biện pháp tổ chức thực hiện.
Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII ban hành kèm theo Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26/11/2011, Chính phủ đã giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo Dự án Luật an toàn vệ sinh lao động. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan xây dựng và hoàn thiện. Hiện Dự án Luật ATVSLĐ đã được trình Chính phủ xem xét tại phiên họp tháng 7/2014.
Dự án Luật ATVSLĐ có 7 chương, 91 điều, bao gồm các nội dung chính: Quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; chính sách của nhà nước về ATVSLĐ; nguyên tắc đảm bảo ATVSLĐ; các hành vi bị cấm trong ATVSLĐ; nội quy, quy trình và biện pháp kỹ thuật ATVSLĐ; chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động; thông tin, tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, huấn luyện ATVSLĐ; quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; khai báo thống kê, báo cáo, điều tra sự cố nghiêm trọng, TNLĐ, BNN; chế độ TNLĐ, BNN từ người sử dụng lao động; chế độ TNLĐ, BNN từ quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; những quy định riêng với một số lao động đặc thù; những quy định ATVSLĐ đối với cơ sở sản xuất kinh doanh; quản lý nhà nước, quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức liên quan về ATVSLĐ.
Một số nội dung quy định mới tại Dự án Luật ATVSLĐ đó là: quy định cụ thể, chi tiết hơn về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của đối tượng người lao động không có quan hệ lao động đối với công tác ATVSLĐ (đã được quy định tại Điều 95 Bộ luật lao động năm 1994 và Điều 133 Bộ luật lao động năm 2012); bổ sung các nội dung chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc từ Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quy định cụ thể về tiêu chuẩn chức danh cũng như việc tổ chức và hoạt động của lực lượng thanh tra ATVSLĐ ở các cấp.
Để đảm bảo ATVSLĐ, kiềm chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các cấp, các ngành cần chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các giải pháp sau:
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người lao động về ATVSLĐ trong đó tập trung vào các ngành, nghề có nguy cơ cao về mất ATVSLĐ. Triển khai công tác huấn luyện cho người sử dụng lao động, người làm công tác ATVSLĐ, người lao động theo đúng quy định.
Tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học về ATVSLĐ; chỉ đạo và tổ chức rà soát lại các tiêu chuẩn kỹ thuật ATVSLĐ hiện hành để sửa đổi, bổ sung và xây dựng các tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật phù hợp với trình độ công nghệ, thiết bị mới; thực hiên giao các đề tài khoa học trên cơ sở đặt hàng của các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực ATVSLĐ; Xây dựng hoàn thiện chương trình, giáo trình và tài liệu huấn luyện về ATVSLĐ để đưa vào giảng dạy trong các trường đại học kỹ thuật, cao đẳng trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; tiêu chuẩn hóa giáo viên giảng dạy về ATVSLĐ;
Kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ làm công tác ATVSLĐ phù hợp, đáp ứng nhiệm vụ công tác. Trước mắt cần tập trung giải quyết biên chế cho cơ quan thanh tra lao động phù hợp với số lượng các doanh nghiệp ở địa phương để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ. Nghiên cứu đề xuất việc thành lập thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ hoặc giao chức năng thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ cho các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này.
Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc trách nhiệm quản lý, đặc biệt là các ngành, nghề có nguy cơ cao về mất ATVSLĐ, phải xây dựng các quy trình, biện pháp làm việc bảo đảm ATVSLĐ; tăng cường tự kiểm tra, rà soát và chấn chỉnh ngay việc thực hiện pháp luật lao động về ATVSLĐ; bố trí đủ cán bộ và tổ chức tốt việc huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động theo quy định.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về ATVSLĐ, trong đó lưu ý trách nhiệm của người sử dụng lao động và cán bộ quản lý, tập trung vào các ngành, nghề có nguy cơ cao về mất ATVSLĐ. Kiên quyết đình chỉ những cơ sở vi phạm nghiêm trọng./.