Theo thông tin từ báo VTC News thì tòa án Thành Phố Hưng Yên đang chuẩn bị mở lại phiên tòa xét xử vụ án cháy chợ Phố Hiến mà hội đồng xét xử đã trả lại hồ sơ vì bị can và các nhân chứng đều khai rằng là do lãnh đạo chỉ đạo bơm nước gây cháy.
(VTC News) - Tòa án nhân dân TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên sắp mở lại phiên tòa xét xử vụ án cháy chợ Phố Hiến mà trước đó HĐXX đã trả lại hồ sơ điều tra lại vì bị can và các nhân chứng đều khai do lãnh đạo chỉ đạo bơm nước gây cháy.
Theo kết quả điều tra bổ sung, vào tối 19/3/2014, ông Đào Ngọc Hậu – nguyên Phó Ban quản lý chợ Phố Hiến (thuộc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hoàng Phát) với tư cách là trực chỉ huy đã không thực hiện đúng nội quy, quy định quản lý điều hành chợ Phố Hiến và không chấp hành nội quy, quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) theo tiêu chuẩn TCN 58 – 1997 về PCCC chợ, trung tâm thương mại.
Ông Hậu đã tự ý để máy bơm nước trong chợ phụ 1 hoạt động ngoài giờ quy định, không có biện pháp giám sát, thẽo dõi khu vực có thiết bị hoạt động dẫn đến cháy chợ Phố Hiến gây thiệt hại tài sản nhà chợ là hơn 27 tỷ đồng và tài sản của các tiểu thương là hơn 66,8 tỷ đồng (theo trình bày của các tiểu thương), còn theo báo cáo của Phòng Kinh tế UBND TP Hưng Yên ước tính gần 40,5 tỷ đồng.
Chợ Phố Hiến (Hưng Yên) bị thiêu rụi hồi tháng 3/2014
Cơ quan tố tụng truy tố ông Hậu về tội “Vi phạm quy định về PCCC” theo điều 240 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên tại tòa, ông Hậu kêu oan và cho rằng mình bơm nước ngoài giờ quy định là do lãnh đạo Công ty chỉ đạo.
Cụ thể, ông Bùi Hồng Kỳ - Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Phát đã chỉ đạo tại cuộc họp trước đó và việc bơm nước này đã diễn ra gần 2 tháng trước vụ cháy.
Các nhân chứng, gồm Phó ban quản lý chợ Phố Hiến cùng nhân viên bảo vệ cũng cho rằng việc bơm nước gây cháy theo chỉ đạo của lãnh đạo Công ty chứ ông Hậu không tự ý bơm nước gây cháy như kết luận điều tra và cáo trạng nêu. Trước những lời khai này tại tòa, HĐXX (TAND TP Hưng Yên) đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại.
Ông Đào Ngọc Hậu cho biết: “Tháng 8/2011 tôi được Công ty tuyển vào làm hợp đồng, sau đó giữ chức vụ Phó ban quản lý chợ Phố Hiến. Công việc của tôi được Công ty giao cho là: ổn định an ninh trật tự; thu tiền vệ sinh, tiền thuê kiốt (giao cho thủ quỹ của công ty); tổ chức vệ sinh trong chợ, xây dựng chợ sạch đẹp văn minh lịch sự.
Trong quá trình kinh doanh của chợ khu dân sinh số 1 bán hàng thuỷ hải sản, rau thịt thường xuyên thiếu nước, bà con đề nghị với Ban quản lý xem xét giải quyết. Tôi cùng Ban quản lý có báo cáo với lãnh đạo trong cuộc họp tháng 2/2014 (có đầy đủ thành phần từ lãnh đạo đến bảo vệ) về hiện tượng thiếu nước này.
Ông Bùi Hồng Kỳ đã chỉ đạo tôi và ông Trần Đức Long là Trưởng ban xem xét giải quyết. Sau bàn bạc đi đến thống nhất là ông Long chỉ đạo Ban quản lý để điện máy bơm thêm 3 giờ để đủ nước cho bà con kinh doanh ngày hôm sau.
Việc này đã thực hiện đều đặn từ đầu tháng 2 đến ngày 19/3/2014 khi chợ xảy ra cháy. Vì vậy đây không phải là tôi tự ý để điện như cáo buộc của cơ quan tố tụng mà làm theo ý kiến chỉ đạo của cấp trên” .
Tại phiên tòa lần trước, các nhân chứng là bảo vệ của chợ Phố Hiến đều khai có việc chỉ đạo này.
Ông Hậu cũng bức xúc: “Từ khi vào làm việc tại Công ty thì nội quy, quy định, phân công nhiệm vụ cho từng người làm việc là không có văn bản. Tất cả do ông Bùi Hồng Kỳ chỉ đạo bằng miệng.
Khi xảy ra cháy chợ ngày 19/3/2014 thì đến ngày 24/3/2014, ông Bùi Hồng Kỳ mới làm bản mô tả phân công công việc, vận động mọi người làm việc thuộc Ban quản lý chợ ký (mọi người đều ký là ngày 24/3/2014), việc này là đổ mọi trách nhiệm lên tôi.”
Luật sư Nguyễn Thị Liên Hoa – Văn phòng luật sư Lâm Hoa (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, việc truy tố ông Hậu là không đúng người đúng tội, bỏ lọt tội phạm.
Theo luật sư Hoa phân tích, truy tố ông Hậu tội “Vi phạm quy định về PCCC” theo điều 240 BLHS là hoàn toàn trái pháp luật vì ông Hậu làm theo chỉ đạo. Việc xảy ra cháy cũng là do lỗi kỹ thuật Công ty, thiết bị PCCC cũng yêu kém. Đáng nói hơn việc hợp pháp hóa hồ sơ để quy trách nhiệm cho ông Hậu rõ mồn một nhưng cơ quan tố tụng bỏ qua. Lãnh đạo đùn đẩy trách nhiệm cho ông Hậu.
Việc kết luận của cơ quan điều tra là cháy đoạn dây từ máy bơm đến ổ cắm (máy bơm không cháy), đầu ổ cắm đã có attomat tự động, mà máy bơm nước lại đặt ở khu chợ hải thủy sản không liên quan đến những vật liệu dễ cháy.
Hệ thống attomat sẽ tự ngắt khi có sự cố chập điện. Vậy đây là lỗi kỹ thuật chứ không phải do ông Hậu. Ngay khi cháy, ông Hậu và những người khác dùng bình cứu hỏa xách tay nhưng dùng tới 3 cái bình xịt mà không có cái nào có bọt.
Nếu không phải ông Hậu là người có ca trực hôm đó mà bất kỳ ai trực cũng sẽ vẫn cháy chợ. Việc chợ đã được phép đi vào hoạt động khi hệ thống phòng cháy chữa cháy các loại (bình xịt, nước dự trữ cứu hỏa) chưa đủ điều kiện tối thiểu cho 1 cái chợ lớn là chợ Phố Hiến tới hàng mấy trăm hộ kinh doanh như vậy là nguyên nhân chính dẫn đến vụ án.