Bảo hộ lao động Hà Nội

Tin tức an toàn lao động, bảo hộ lao động

An toàn vệ sinh lao động – Vấn đề ngành than luôn phải đối mặt những khó khăn gặp phải

Ngành than là ngành khai thác khoáng sản trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm.  Do đó, việc để xảy ra các tai nạn lao động trong ngành than cũng là điều khó tránh khỏi, nhưng quan trọng hơn là phải có các biện pháp ngăn chặn, nhằm giảm thiểu ít nhất các tai nạn nghiêm trọng xảy ra.

Dẫn đầu tỷ lệ người lao động bị tai nạn chết khi đang làm việc

Ông Dương Văn Thìn - Phó ban An toàn Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết, hiện nay lực lượng lao động toàn Tập đoàn khoảng hơn 13,5 vạn, riêng lao động ngành than hơn 10 vạn người. Lao động đang làm tại Tập đoàn luôn bị rình rập tai nạn bởi 3 nguy cơ chính từ áp lực mỏ, cháy nổ khí và bục nước.

2

Mặc dù đã được trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ, mũ và giày bảo hộ cao cấp, ngành than vẫn đối mặt với khó khăn

Thực tế, thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, trong nhiều năm qua, ngành than-khoáng sản dẫn đầu tỷ lệ người lao động bị tai nạn chết khi đang làm việc. Năm 2009, riêng trong khai thác than và khai thác đá, số vụ tai nạn lao động và số người chết đã chiếm hơn 16% tổng số vụ và 22,1% tổng số người chết do tai nạn lao động trong cả nước. Số người mắc bệnh nghề nghiệp trong khai thác than, khoáng sản cũng chiếm tỷ lệ lớn, trong đó chủ yếu là bệnh bụi phổi Silic, bụi phổi than, hiện nay chiếm hơn 70% trên 25 loại bệnh nghề nghiệp của Việt Nam.

Từ đầu năm đến nay, những thảm họa tai nạn lao động trong ngành than không xuất hiện nhiều, nhưng những vụ tai nạn lao động gây chết người vẫn âm ỉ diễn ra. Vụ tai nạn trong ngành than vừa xảy ra vào sáng 2.7, tại Giếng phụ khu Nam Khe Tam thuộc P.Quang Hanh, TP.Cẩm Phả, Quảng Ninh (mức + 55 đến -150m) thuộc Công ty TNHH MTV 86 (Tổng công ty Đông Bắc) làm 4 người chết do nổ khí mê tan (CH4) đã cho thấy đây vẫn là vấn đề thời sự nóng hổi mà ngành than phải đối mặt.

Theo ông Dương Văn Thìn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động, nhưng chủ yếu vẫn là chủ doanh nghiệp chưa chủ động thực hiện các biện pháp an toàn vệ sinh lao động, chưa tạo môi trường làm việc an toàn phù hợp cho người lao động. Trong khi đó thì người lao động làm việc trong điều kiện không đảm bảo, lại thiếu kỹ năng cùng các biện pháp thực hiện phù hợp để hạn chế, ngăn chặn rủi ro. Theo thống kê của Vinacomin trên 80% số vụ tai nạn lao động xảy ra là do hành vi không an toàn của người lao động gây ra hoặc do điều kiện làm việc không an toàn dẫn đến hành vi không an toàn cho người lao động.

Không thể coi nhẹ ý thức người lao động

Do đặc thù của ngành công nghiệp than và khoáng sản, đa số lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm, đặc biệt đối với khai thác than hầm lò và sản xuất cung ứng vật liệu nổ công nghiệp… nên trong các chỉ tiêu thi đua hằng năm của các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành than thì bao giờ chỉ tiêu “đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, giảm tai nạn lao động” cũng được đặt lên hàng đầu. Mục tiêu giảm thiểu tai nạn lao động trong ngành than cũng được thể hiện trong nỗ lực của Chính phủ thông qua việc phê duyệt Chương trình quốc gia về an toàn vệ sinh lao động với mục tiêu đến năm 2015 giảm 5% tần suất tai nạn lao động trong ngành các ngành, lĩnh vực khai thác khoáng sản, xây dựng, sử dụng điện, cơ khí và hóa chất..

Trong những năm gần đây, ngành than đã đầu tư rất nhiều cho công tác an toàn lao động, nhờ đó các vụ tai nạn lao động đã giảm đáng kể. Năm 2011 là năm Vinacomin có số vụ tai nạn lao động và số người tử nạn vì lao động thấp nhất trong 8 năm trở lại đây. Kết thúc năm 2011, Vinacomin chỉ xảy ra 17 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm chết 19 người. So với năm 2010, số vụ tai nạn nghiêm trọng giảm hơn một nửa và số người tử nạn giảm gần 55%.

Theo ông Dương Văn Thìn, để quản lý tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, Tập đoàn đã thành lập bộ máy làm công tác an toàn chuyên trách thống nhất từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên. Trong đó, Tổng Giám đốc chịu trách nhiệm chính về an toàn lao động, bộ phận giúp việc chủ lực là các thanh tra an toàn lao động, thanh tra mỏ. Ở mỗi chi nhánh cũng đều có sự phân công rõ ràng. Ngoài ra cũng có nhóm giám sát viên an toàn và giám sát hầm lò để thông báo kịp thời khi phát hiện nguy cơ có thể xảy ra ở từng ca, từng giờ. Với mạng lưới kiểm tra, giám sát dày đặc như vậy đã hạn chế rất nhiều những vụ tai nạn lao động.

Để nâng cao ý thức của người lao động, Vinacomin cũng ban hành “Quy định về xử lý người đứng đầu doanh nghiệp khi đơn vị để xảy ra tại nạn lao động chết người”; “Quy định thưởng mục tiêu công tác an toàn – bảo hộ lao động” với mục tiêu năm sau giảm hơn 10% tai nạn lao động so với năm trước, và tiến tới chỉ tiêu tai nạn bằng không. Đồng thời xây dựng các tiêu chí với mỏ hầm lò là “Mỏ sạch - Mỏ an toàn - Mỏ tiết kiệm tài nguyên - Mỏ sản lượng cao - Mỏ ít người tai nạn”; với mỏ lộ thiên, khoáng sản là “ Mỏ an toàn – Mỏ hiện đại- Mỏ xanh, sạch, đẹp”.

Để giảm bớt số vụ tai nạn lao động trong thời gian tới, ông Dương Văn Thìn cho biết, Tập đoàn tập trung vào công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát các công trường, phân xưởng; rút kinh nghiệm sâu rộng mỗi lần xảy ra biến cố…Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là người lao động cần thực hiện công tác tự chủ an toàn bởi theo ông Dương Văn Thìn thì “Bất kỳ một doanh nghiệp nào dù có đầu tư về công nghệ, thiết bị kỹ thuật, an toàn, nhưng nếu coi nhẹ, hoặc đơn giản hóa việc giáo dục về quản lý hành vi nâng cao chất lượng huấn luyện và ý thức của người lao động và cán bộ quản lý về an toàn vệ sinh lao động thì sẽ không đạt kết quả cao”./.