He thong PCCC trong chung cu binh dan da so deu khong an toan
Qua kiểm tra của cơ quan cảnh sát PCCC Hà Nội thì đa số các chung cư bình dân hiện nay đều gặp phải các lỗi như: chuông hỏng, cửa thoát hiểm hỏng, hệ thống PCCC không đạt chuẩn,…thử hỏi như vậy thì tính mạng, tài sản của người dân sống trong các khu chung cư như vậy sẽ ra sao khi có hoả hoạn bất ngờ xảy ra?
PCCC, có cũng như… không!
Sau vụ cháy tại CT4 chung cư Xa La đêm 11/10, có ý kiến cho rằng, người dân quá thờ ơ trong việc di dời khi đã có tín hiệu báo cháy. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy. Trao đổi với PV Báo Giao thông, chị Hoa, tòa nhà CT4A cho biết: “Hệ thống chuông báo cháy của tòa nhà có vấn đề, thi thoảng lại kêu ré lên dù không hề có cháy, do đó khi báo cháy thật, mọi người vẫn cứ tưởng… giả!”.
Được biết, chung cư Xa La chưa được nghiệm thu hệ thống PCCC nhưng đã đưa dân về ở. Tuy nhiên, khảo sát tại những khu chung cư đã được nghiệm thu PCCC, PV cũng thu được kết quả đáng bất ngờ.
Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết: “Trong số 779 công trình đã đưa vào sử dụng thì có 60 công trình chưa được thẩm duyệt về PCCC, 121 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC. 6 tháng đầu năm, toàn thành phố xảy ra 86 vụ cháy, làm 7 người chết, 9 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính 17,6 tỷ đồng, đã xử phạt hành chính 1.691 tổ chức, cá nhân vi phạm về PCCC, đình chỉ hoạt động ba cơ sở.
Ví như tòa nhà T1 thuộc chung cư TSQ (Làng việt kiều châu Âu, Mỗ Lao, Hà Đông), dù mới đi vào sử dụng được hơn một năm, song hệ thống cửa thoát hiểm hiện đã có vấn đề. “Có lần tôi quan sát từ tầng 27 xuống tầng 1, chỉ có 5 cửa thoát hiểm đóng, còn lại đều mở toang hoang. Đặc biệt, vài chục cửa đã bị hỏng tay co thủy lực nên không thể đóng tự động hoặc đóng không khít, cứ va đập trước gió”, một cư dân tại tầng 16 bức xúc kể.
Qua tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số hộ dân thiếu ý thức, tự động mở cửa thoát hiểm để “đón gió”. Thậm chí nhiều người còn lấy sách báo, thùng rác, bê tông... để chặn cửa “cho chắc”. Hệ thống cửa thoát hiểm tại chung cư có tác dụng ngăn ngừa khói độc bảo vệ tính mạng cho người dân khi có hỏa hoạn. Nếu hệ thống vận hành tốt, cư dân vào được thang thoát hiểm sẽ được an toàn. Tuy nhiên, nếu cửa thoát hiểm không kín, áp suất thất thoát hết thì có cũng bằng thừa!
Tại Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội), hầu hết các chung cư tại đây đều được xây dựng gần chục năm nên hệ thống PCCC đã xuống cấp. Theo khảo sát của PV, hệ thống thoát hiểm không đạt tiêu chuẩn. Đặc biệt, khu vực thang bộ thoát hiểm không có hệ thống quạt tăng áp để xua khói và cấp không khí sạch khi có hỏa hoạn xảy ra.
Cụ thể, tại toà nhà CT10, dù mỗi tầng đều được chủ đầu tư trang bị các thiết bị chữa cháy nhưng hệ thống bình xịt CO2 được treo trên tường chỉ cách mặt đất khoảng 30 cm, có tầng các thiết bị này còn được đặt dưới sàn nhà mà không có tủ bảo vệ cũng như các thông tin ngày sản xuất và niên hạn sử dụng. Anh Việt, một cư dân sống tại đây cho biết, từ ngày anh chuyển về, các thiết bị trên đã được treo như vậy rồi. “Tôi không biết các thiết bị treo như vậy có đúng quy định hay không nhưng tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, nếu không có tủ đựng thì bất cứ lúc nào trẻ nhỏ cũng có thể nghịch ngợm, vô tình làm rò rỉ khí, hoặc hỏng bình. Nếu có cháy xảy ra mà bình bị hỏng thì rất nguy hiểm”, anh Việt lo lắng.
Tiết kiệm chi phí hay tiết kiệm an toàn!
Kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội trong cuộc kiểm tra thiết bị PCCC tại Khu đô thị Việt Hưng mới đây cho biết: Đây là tòa nhà được xây dựng từ năm 2005 nên các thiết kế của chủ đầu tư chỉ đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC tại thời điểm xây dựng. Vì vậy, nếu áp theo quy định PCCC mới nhất thì các hạng mục liên quan đều không đảm bảo!
Được biết, đoàn kiểm tra đã đề nghị BQL Khu đô thị Việt Hưng nâng cấp hệ thống PCCC theo quy chuẩn mới. Đây cũng là vấn đề được đa số cư dân đồng thuận, song BQL lại viện cớ thiếu kinh phí. “Quỹ bảo trì của nhiều tòa nhà hiện tại đã sử dụng gần hết nên kinh phí để đầu tư nâng cấp hệ thống PCCC rất khó thực hiện”, đại diện BQL chia sẻ.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết, thiết bị PCCC tùy theo từng loại đều có giới hạn thời gian sử dụng. Ví dụ bình bọt có thời hạn một năm hoặc một năm rưỡi, tùy theo giới hạn được quy định cụ thể trên vỏ bình. “Theo quy định, hệ thống PCCC phải được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Ví như máy bơm, hệ thống đèn, điều áp... đều phải được kiểm tra thực tế xem có còn hoạt động hay không”, Đại tá Thiều nói.
Theo chuyên gia, một hệ thống đạt chất lượng theo quy định tại các tòa nhà chung cư là hệ thống có khả năng tự động chữa cháy khi có hỏa hoạn xảy ra; vị trí tòa nhà phải đảm bảo xe thang chữa cháy có thể tiếp cận được cũng như đảm bảo khả năng thoát nạn tại các cầu thang bộ (cấp khí tươi, hút khói...). Nhận định về chất lượng hệ thống PCCC, một kỹ sư thiết kế thiết bị PCCC (xin giấu tên) cho biết: Hầu hết hệ thống báo cháy tại chung cư bình dân hoạt động không ổn định, chuông lúc kêu lúc không. Hệ thống chữa cháy không được trang bị đầy đủ, hầu hết chỉ có chữa cháy cho khu vực chung (hành lang, tầng hầm) toàn bộ căn hộ hầu như không có vòi phun chữa cháy.
“Hệ thống bơm chữa cháy hầu hết giá rẻ, chất lượng trung bình nên hoạt động không ổn định. Mặt khác, hệ thống PCCC cần bảo dưỡng định kỳ nhưng việc này tốn kém, nên hầu hết các ban quản lý chung cư đều làm cho có lệ, hoặc bỏ qua...”, vị kỹ sư này nhận xét.
Theo báo giao thông