Việc đặt may quần áo bảo hộ lao động hiện nay là rất cần thiết đối với mỗi doanh nghiệp. Nó không chỉ đảm bảo an toàn cho từng người lao động, phù hợp với từng người công nhân, nó còn góp phần quảng bá hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp.
Mặt khác, việc sử dụng quần áo bảo hộ lao động do các doanh nghiệp dệt may trong nước sản xuất cũng chính là hành động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Theo một nghiên cứu sơ bộ của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, một số ngành có vốn Nhà nước đầu tư có nhu cầu sử dụng quần áo bảo hộ lao động là lâm nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, khai khoáng, xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, sửa chữa ô tô, xe máy… Một số ngành có sử dụng quần áo bảo hộ, điển hình là điện lực với quy mô 100 nghìn lao động, ngành xây dựng với 3,2 triệu lao động, ngành khai khoáng gần 280 nghìn lao động. Ước tính, tổng nhu cầu vào khoảng 7,3 triệu bộ/năm, bình quân một người hai bộ/năm.
Phân khúc thị trường quần áo bảo hộ lao động rất lớn, nhiều tiềm năng. Để sản xuất được quần áo bảo hộ lao động phù hợp cho từng ngành cụ thể, doanh nghiệp phải hội đủ 3 yếu tố quan trọng, đó là phải có năng lực thiết kế để tạo ra mẫu mã, định hướng, tư vấn cho các ngành, bởi vì mỗi ngành có đặc thù phải nghiên cứu để thiết kế ra các loại quần áo phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường làm việc; phải khai thác nguyên phụ liệu tại chỗ; năng lực sản xuất, hệ thống đo, quy chuẩn bởi vì lĩnh vực này rất nhiều thành phần, thông số khác nhau…
Nếu so với sản xuất quần áo xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa thông thường, thì quần áo bảo hộ lao động không đòi hỏi quá khắt khe về kiểu dáng thiết kế. Có thể sử dụng tới 80% nguyên liệu vải và phụ liệu trong nước. Đây là những yếu tố giúp giảm giá thành cũng như đẩy nhanh tiến độ giao hàng. Tuy nhiên, cũng có khó khăn, đó là trong một đơn vị hoặc doanh nghiệp bao gồm nhiều thành phần, chức danh khác nhau, nên về tổng thể đơn hàng thì số lượng lớn, nhưng tách ra theo các thông số riêng thì số lượng không nhiều, buộc doanh nghiệp phải sản xuất trên dây chuyền riêng, mà không phải đại trà, theo kiểu may công nghiệp, thậm chí phải may đo cho từng người.
Sản xuất quần áo bảo hộ lao động là hoạt động đã có từ lâu nhưng chưa được doanh nghiệp dệt may quan tâm đúng mức, nhiều trường hợp do các đơn vị, cơ sở tư nhân đảm nhiệm, chất lượng không hoàn toàn đảm bảo. Trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu dệt may giảm, “cái khó ló cái khôn”, các doanh nghiệp dệt may đã nhận ra nhu cầu to lớn này của thị trường nội địa. Vấn đề còn lại là liên kết chặt chẽ thành chuỗi cung ứng để cùng khai thác mảng quần áo bảo hộ lao động nói riêng và đẩy mạnh chiếm lĩnh thị trường nội địa nói chung.