Tỉnh Hòa Bình bất cập đặt ra trong khai thác, quản lý khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 130 doanh nghiệp tham gia hoạt động khoáng sản với 171 mỏ đã được cấp phép hoạt động. Trong đó, khoáng sản khai thác chủ yếu là nhóm dùng làm VLXD (85 mỏ). Các nhóm khoáng sản khác được khai thác, sử dụng cho tiêu dùng trong nước là chính. Quy mô đầu tư cho các mỏ từ nhỏ lẻ, tận thu đến 60 tỷ đồng/dự án.
Còn nhiều mỏ khai thác thủ công, gây nguy hiểm và mất an toàn lao động. (Ảnh tại một mỏ đá hoạt động trên địa bàn xã Cao Dương).
Không trang bị quần áo bảo hộ, dây an toàn hay mũ bảo hộ lao động. Người lao động tại đây phải đối mặt với rất nhiều bất cập.
Thực trạng hiện nay, khoáng sản làm VLXD được khai thác và chế biến tại chỗ (đá vôi, đá bazan) với các dự án có công nghệ hợp lý, tập trung nhiều ở các huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Tân Lạc, Cao Phong. Có 2 phương pháp khai thác chính là khai thác từ ngoài vào trong, từ trên xuống gây nguy hiểm và mất an toàn lao động; khai thác cắt tầng có độ an toàn cao nhưng chi phí xây dựng hạ tầng lớn. Đối với khoáng sản làm vật liệu sản xuất xi măng phần lớn đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản mỏ hoặc khai thác, chế biến chưa đạt công suất thiết kế. Dây chuyền công nghệ ở mức độ tiên tiến, đang được lắp đặt hoặc chạy thử nên chưa đánh giá đúng mức hiệu quả KT-XH mang lại. Các mỏ than, kim loại, phi kim khác khai thác chủ yếu theo quy mô nhỏ, không chế biến tại chỗ, không được thăm dò, đánh giá về chất lượng và trữ lượng trước khi cấp phép khai thác nên nhiều mỏ chưa tìm thấy trữ lượng lớn quặng để hoạt động. Thêm vào đó là công nghệ khai thác thủ công, lạc hậu, sản phẩm cuối cùng là quặng thô đem bán, không qua chế biến tinh gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý về hoạt động cũng như nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, ít đem lại hiệu quả KT-XH, ảnh hưởng xấu đến cảnh quan môi trường. Hiện có 4 cơ sở chế biến quặng kim loại được UBND tỉnh cấp giấy phép đầu tư nhưng nguồn khoáng sản làm nguyên liệu chưa đảm bảo cho các nhà máy hoạt động lâu dài. Thực tế việc chế biến quặng còn sử dụng máy móc, thiết bị lạc hậu.
Ông Nguyễn Văn Dật, Phó Giám đốc Sở TN&MT nhận định: Khai thác khoáng sản đang trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Các hoạt động khoáng sản được cấp phép theo đúng quy định về trình tự thủ tục, trong đó, vấn đề BVMT đã được các cấp, ngành trong tỉnh và nhân dân nơi có hoạt động khoáng sản tham gia xây dựng, giám sát thực hiện. Tuy nhiên, lực lượng cán bộ làm công tác quản lý về khoáng sản còn mỏng. Cán bộ cấp huyện, xã không có chuyên môn về khoáng sản dẫn đến công tác quản lý về khoáng sản giữa các cơ quan trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, việc xử lý các vi phạm pháp luật về hoạt động khoáng sản chưa được thường xuyên. ý thức chấp hành của các DN khi khai thác khoáng sản bao gồm cả ý thức chấp hành pháp luật, ý thức cộng đồng chưa cao. Các DN tham gia hoạt động khoáng sản chưa nghiên cứu đầy đủ chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với BVMT. Không ít DN sử dụng các máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu, xe vận chuyển quá khổ, quá tải, không theo dự án đã phê duyệt, nổ mìn quá công suất. Có cơ sở đủ dây chuyền công nghệ nhưng sử dụng chưa theo đúng quy trình, khai thác không theo thiết kế, không áp dụng các biện pháp BVMT phù hợp hoặc chưa trang bị dây chuyền công nghệ theo dự án phê duyệt. Một số DN lại không đủ điều kiện về tài chính, thiết bị và con người để áp dụng các biện pháp BVMT. Mối liên kết giữa các DN có dự án liền kề để đưa ra phương án BVMT chưa được thực hiện.
Hiện, toàn tỉnh có 85 dự án khai thác khoáng sản được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo tác động môi trường và dự án cải tạo phục hồi môi trường. Tổng số tiền đã thực hiện ký quỹ BVMT khoảng 90 tỷ đồng, trong đó, khoảng 4,5 tỷ đồng đã ký quỹ vào ngân hàng. Số cơ sở thuộc đối tượng cam kết BVMT có 38 cơ sở, 13 DN thực hiện ký quỹ với số tiền ký quỹ khoảng 3 tỷ đồng. Việc kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm đối với các vi phạm pháp luật về khoáng sản được thực hiện đúng quy định nhưng việc chấp hành của các cơ sở chưa thực sự nghiêm túc, vẫn còn tình trạng ô nhiễm môi trường và sự cố môi trường.
Để thực hiện nghiêm chính sách về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với BVMT mang lại hiệu quả thiết thực, theo ông Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh, cần quan tâm đến công nghệ khai thác, xử lý môi trường khai thác, phục hồi môi trường sau khai thác. Công nghệ khai thác liên quan trực tiếp đến nguy cơ rủi ro, sạt lở, sập núi, tai nạn lao động, vấn đề đá văng do nổ mìn, bồi lấp khu vực xung quanh do sạt lở và bùn thải vào mùa mưa. Trong xử lý môi trường khai thác, lưu tâm đến đầu tư xử lý nước thải mỏ khi khai thác đá, tuyển quặng, đầu tư hệ thống xử lý bụi vì đây là nguồn phát thải bụi không kiểm soát, xử lý bụi tại khu vực nổ mìn, chế biến, vận chuyển, phun sương dập bụi. Giải pháp phục hồi môi trường sau khai thác như gia cố bờ moong, bờ mỏ, trồng các loại cây tại các mỏ sau khai thác, xử lý nước thải, bùn thải đối với chế biến và tinh luyện quặng vàng. Các vấn đề liên quan đến lợi ích của các bên liên quan tới dự án, vấn đề về chính sách văn bản, chính sách liên quan về hoạt động khai thác khoáng sản và BVMT cũng cần tiếp tục hoàn thiện.
Thiết bị phục vụ công việc: Giày bảo hộ lao động, dây đai an toàn, băng báo hiệu...